PHẦN THỨ TƯ: MẤY LỜI NHẮN GỞI ĐẾN NGƯỜI DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH – QUÊ TÔI
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Trà bình, xã Mỹ hiệp, huyện Phù mỹ, tỉnh Bình định (miền Trung, nướcViệt).
Tôi xa quê từ năm 1958 (năm 25 tuổi) đi học, rồi đi dạy, vào ở TP Qui nhơn và đến năm 1974 thuyên chuyển vào Định tường (Tiền giang) đến nay.
Trên đường vào Nam, tôi có đem theo mấy đàn ong mật, do tôi mua của một ông cụ, gốc người Hoài châu - Hoài nhơn, tản cư vào ở khu phố Qui nhơn từ năm1972 và gầy dựng nên. Sở dĩ tôi dám phiêu lưu như vậy (trước giờ chưa ai đem ong đi trên 700km với đường sá cực kỳ xấu, trong thời buổi chiến tranh) vì trước đó tôi học Sư pham tại tỉnh Long an, nhiều lần cùng bạn bè đến viếng thăm ở các miền quê, thấy nơi đây đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt gấp nhiều lần với quê tôi - nơi đất cằn, sỏi đá. Tôi nghĩ nơi đây chắc sẽ là Thiên đường của loài ong mật nên tôi không ngại khó khăn, tìm mọi cách đem theo cho kỳ đươc 4 thùng ong mật, nhưng vì lúc bấy giờ ong chưa được nuôi với các cầu di động như ngày nay mà là các bánh tổ của ong đóng vào các thanh tầng (do tôi có đọc qua quyển Nghệ thuật nuôi ong của báo Tư do, tôi nảy ra sáng kiến là xẻ những thanh gỗ mỏng đặt lên trên miệng thùng nên có thể lấy ra từng cầu được, tôi tạm gọi là thanh cầu,chứ bánh tổ không dính liền vào nắp như ông cụ đã nuôi). Trong quá trình vận chuyển có 2 thùng bánh tổ bị bể, mật chảy ra ong chết hết, chỉ còn lại 2 đàn!
Thế nhưng thật không ngờ, đúng như tôi dự đoán, ở miền Nam đất đai trù phú, cây trái sum suê. Tôi vào Nam ngày mồng 9 tháng 9 Âm lịch mà đến đầu tháng chạp, từ 2 đàn còn lai, tôi có được 6 đàn! Mật quá nhiều. Lúc ấy tôi chưa biết dùng cầu di động, tôi chỉ cắt cầu mật ở bành tổ ra vắt, thế mà cứ 10 - 12 ngày vắt 1 lần, mỗi đàn có đến 1-2 lít mật.
Với đà phát trển nhanh như vậy, tôi đã thành lập Trại Ong Mật LIÊM BÌNH (Ông Liêm Bình Định), ở nhà số 668 Lý Thường Kiệt, thành phố Mỹ tho. Tôi đã nhân đàn bán giống và hướng dẫn cho nhiều người ở Tiền giang, Bến tre, Long an nuôi ai cũng thu được kết quả tốt. Đến năm 1976 hay 1977 gì đó Sở Nông nghiệp TP Hồ chí Minh và Công ty ong trung ương mới đem về nuôi. Từ đó nghề nuôi ong mật phát triển khắp miền Nam. Tôi đã từng nói “Ở miền Nam, nơi nào có đất là nơi ấy có người ở và có người ở là có người nuôi ong mật”. Rất nhiều người thành công, nếu chưa giàu về nghề này thì cũng giúp cho họ xóa đói giảm nghèo trong thời kỳ bao cấp, khó khăn…
Tuy đã xa quê hương từ thời ít tuổi, nhưng lòng tôi không lúc nào quên được hình bóng quê nhà. Trong tim tôi luôn ấp ủ là phải tìm một cái gì đó giúp cho bà con nghèo ở quê ta có thêm một nghề mới để mưu sinh.
Nhớ lại năm 1960, vào Sài gòn, tôi có mua quyển sách Nghệ thuật nuôi ong của nhà xuất bản báo Tự do. Trong đó có nói ở nước ta, các tỉnh Bính định, Thừa thiên và Thanh hóa là những nơi có nghề nuôi ong mật lâu đời nhất. Không nói đâu chi xa, chỉ tính từ năm 1972 tôi mua ong cuả ông cụ ở Qui nhơn về nuôi, Năm ấy ông độ 80 tuổi và bảo là đã nuôi ong từ hồi 20 tuổi như thế lã đã 60 năm, cho đến nay, tính ra cũng đã ngoài trăm năm rồi còn gì?
Với lòng tha thiết muốn tìm một nghề gì để giúp bà con mình làm kế sinh nhai nên tháng 6 năm1996 tôi đã thuê một cỗ xe vận chuyển từ Tiền giang về Bình định 50 đàn ong, mỗi đàn có 4 cầu, quân đông rất tốt! Tôi đã cẩn thận - năm 1995 về trướ c- năm ấy gió thuận mưa hòa, ruộng đồng xanh tốt, tôi đã đến coi nhiều nhà nuôi ong, mỗi nhà một vài thùng, cũng nuôi theo cách “cổ lỗ sĩ” là thủng đõ hay thùng hộp, tuy vậy ong cũng khà tốt. Vì thế nên năm sau tôi mạnh dạn đem ong về. Nào ngờ ”Trời chẳng chiều Người”, năm 1996 - 1997 bị nạn Elnino, hạn hán kéo dài! Quê ta lúc ấy chưa có công trình thủy lợi, chưa có giếng khoan bơm, tưới. Tất cả mùa vụ đều nhờ vào nước trời. Hạn hán làm cho đồng khô, cỏ cháy, đồng ruộng khô cằn. Thậm chí nhiều giếng khô nước, không đủ nước sinh hoạt hoạt hằng ngày.
Tôi về có một mình, “Lực bất tùng tâm” chăm sóc không xuể, ong lần lượt bay… đành chấp bỏ cuộc, thu xếp trở về Nam tháng 8 năm 1997.
Tuy vậy trong hơn 1 năm ở quê nhà, với chiếc xe đạp cũ kỹ , tôi đã đi hầu như khắp các huyện trong tỉnh Bình định. Khởi đầu là Hoài nhơn (Bồng sơn), Tôi đã lần lượt đến các xã Hoài tân, Hoài thanh, Hoài mỹ… và ra đến Chương hòa (Tam quan). Rải rác có rất nhiều người nuôi ong, có người nuôi đến vài chục đàn, nhưng tất cả đều nuôi bằng thùng đõ, hộp vuông! Chỉ để tại vườn nhà, lấy mật dừa. mỗi năm cắt bánh tổ, vắt mật vài ba lần gì đó. Trên đường từ Thị trấn Bồng sơn ra Tam quan, tôi thấy dọc quốc lộ 1, về phía bên trái, qua khỏi trạm Bưu điện gì đó, có một anh chàng năm ấy độ ngoài 30 tuổi là nuôi khéo nhất! Anh ta đã dùng cầu di động, biết quay mật bằng máy ly tâm, tôi đã vào xem và góp ý cho anh nhiếu điều.Nếu anh này biết khai triển thêm những gì tôi chỉ thì có thể anh ta đã giàu nhờ nghề Nuôi Ong Mật này. Vì giá mật ở miền Trung đắt gấp 2-3 lần miền Nam. Tiện đây tôi có lời nhắn gởi anh, nếu có đọc được trang này, hãy liên lạc với tôi và báo cho tôi tin vui về thành quả nuôi ong của anh. Tôi rất mong!
Tôi cũng lên đến An lão, về Hoài ân... Tôi thấy ở Xuân phong, Ân tường, Ân tín, Long giang, Lộc giang, Thạch khê… cũng có người nuôi nhưng tất cả đều là tài tử, nuôi chơi 5, 3 đàn để tại nhà, lấy mật dừa mà thôi. Không ai nghĩ đến việc phát triển và khai thác bằng cách di chuyển đến những nơi có nhiều nguồn mật dồi dào và thơm ngon gấp nhiều lần mật dừa. Như vùngThạch khê (Đèo Mạng lăng) bạt ngàn dây chiều vào thàng ba hoa nở, thơm ngát cả một vùng, thế mà không ai biết khai thác mật nơi đây. Thật uổng phí của tròi!
Về Phù mỹ, tôi đến Mỹ quang, Mỹ tài, Mỹ chánh… rải rác đều cò người nuôi nhưng cũng trong tình trạng như các nơi trên. Tôi cũng đã vào Phù cát , ớ Cát tài (Chánh danh) ở Cát minh (Gia thạnh, Đức phổ) cũng có người nuôi.Nơi đây có núi Bà (Hòn Vọng phu) những dãy đồi, những gò hoang dưới chân núi bạt ngàn dây chiều, tiếc thay không có ong đến lấy mật! Vào Tuy phước (Phước lộc, gần cầu Bà di, có người nuôi). Lên Binh khê… cũng thế.
Nhìn những cánh đồnng lúa xanh tươi, những vườn dừa trĩu quả, những ruộng bắp ruộng đậu phụng, ruộng mè khắp nơi, tôi thầm tiếc không biết ở đây có ai nuôi ong để tận thu những sản vật thiên nhiên phong phú ấy không? Thật là điều đáng tiếc!
Trong thời gian này tôi cũng đã gửi thư đến Sở Nông nghiệp tinh Bình định, tự nguyện truyền nghề Nuôi ong cho bà con trong tỉnh (không có thù lao), trong một dịp nào có mở khóa chăn nuôi hay trồng trọt gì đó. Nhưng thư đi thì có, tin về lại không!
Nhấn vào đây để về trang: Ba Liêm "luận" về con ong mật
Nhấn vào đây để về trang chính: Ba Liêm nuôi ong mật
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.