Tác giả đưa ra một khái niệm về một hình thức nuôi kết hợp nhằm hạn chế sự bùng nổ của bệnh đốm trắng ở tôm sú nuôi.
Từ tháng 7 năm 1994, hội chứng đốm trắng (WSS) gây ra do virus hội chứng đốm trắng (WSSV) đã làm giảm đáng kể sản lượng tôm nuôi dọc theo vùng ven biển phía Đông và Tây ấn Độ. Hội chứng đốm trắng bùng nổ với tốc độ rất nhanh trong nhiều hoàn cảnh và biểu hiện khác nhau, một khi bệnh đốm trắng đã xuất hiện trong ao nuôi thì có rất ít khả năng có thể cứu vãn tôm nuôi khỏi khả năng thất thu.
Trong những năm qua, một số chiến lược quản lý sự bùng phát hội chứng đốm trắng ở tôm nuôi đã được thử nghiệm ở ấn Độ. Biện pháp ngừng nuôi một thời gian giữa một hay hai vụ nuôi đã không mang lại hiệu quả đáng kể. Mô hình nuôi tôm trong những năm gần đây đã chuyển từ hình thức nuôi trong hệ hở sang nuôi tôm ít thay nước với sự hỗ trợ của các ao chứa lắng đã được sử lý clorine, nhằm hạn chế sự bùng nổ của hội chứng đốm trắng, nhưng sự nhiễm WSSV với tôm nuôi vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dù tôm post đã được kiểm tra thường xuyên bằng phương pháp PCR nhưng WSS vẫn xuất hiện kể cả ở tôm đã được chứng nhận là không bị nhiễm WSSV. Biện pháp giảm mật độ nuôi kết hợp với cho ăn thức ăn có chất lượng cao và áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng môi trường nước tốt cũng không giúp ngăn chặn được sự phát sinh WSS. Việc sử dụng các loại thuốc có tác dụng miễn dịch, kháng sinh, thuốc có nguồn gốc thảo mộc và hoá trị liệu cũng chỉ giúp một phần làm tăng cơ hội thành công việc ương nuôi tôm ở một số vùng nhất định, nhưng cũng không có tác dụng trong việc ngăn cản sự bùng phát của hội chứng đốm trắng.
Gần đây, biện pháp nuôi luân canh được đề xuất là chiến lược quản lý môi trường tốt hơn. Một biện pháp vệ sinh tốt và làm gián đoạn chu trình phát sinh bệnh có thể giảm thiểu những tác động của bệnh đối với nghề nuôi tôm. Việc xác định rõ ký chủ của mầm bệnh, sự khác biệt ký chủ của từng tác nhân gây bệnh, và sự khác biệt giữa các loài được sử dụng trong hệ nuôi luân canh được xem là những ý kiến đang được tranh luận như một biện pháp phòng ngừa bệnh bằng phương pháp sinh học.
Cá rô phi và tôm được xem là hai đối tượng có thể dùng để kiểm tra tác dụng vệ sinh môi trường cuả cá trong hệ nuôi luân canh tôm - cá. Tuy nhiên, khi WSS xuất hiện thì ngay cả mô hình này cũng không mang lại hiệu quả gì vì VWSS có khả năng lây lan theo phương thẳng đứng, tôm khoẻ bị lây virus từ tôm mắc bệnh mà không qua bất cứ yếu tố trung gian nào. Yêu cầu đặt ra là cần có một chiến lược đặc biệt quản lý WSSV. Điều này phải được dựa trên sự hiểu biết yếu tố phát sinh và điều kiện bùng nổ WSS trong ao nuôi.
Các điều kiện và cơ chế nhiễm VWSS với tôm nuôi đến nay đã được hiểu rõ. Giai đoạn ủ bệnh với WSSV ở tôm nuôi thường kéo dài trong vòng một vài tháng, giai đoạn này không có bất kỳ một triệu chứng lâm sàng nào, tuy nhiên sự phát triển sang giai đoạn phát bệnh có thể sảy ra sau vài giờ trong điều kiện tôm nuôi bị sốc.
Thời gian chuyển từ giai đoạn ủ bệnh sang giai đoạn phát bệnh ở tôm phụ thuộc vào một số yếu tố. Trong đó kích cỡ tôm và sự xuất hiện của các yếu tố gây stress là hai nhân tố rất quan trọng. Sự nhanh chóng chuyển từ giai đoạn ủ bệnh sang giai đoạn phát bệnh khi có các yếu tố gây stress cho thấy vai trò của stress trong sự bùng phát của WSS. Điều này đặc biệt đúng trong những vùng có tỷ lệ nhỏ các ao đầm có tôm nuôi đang ở trạng thái ủ bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bệnh lý.
Sự phát bệnh có thể được định nghĩa là một tỷ lệ lớn tôm nuôi bị chết trong một khoảng thời gian ngắn khi bị nhiếm WSSV. Sự bùng phát của bệnh xuất hiện là hệ quả của mầm bệnh lây nhiễm trong vật chủ và trong môi trường nước. Các khía cạnh làm mầm bệnh tăng một cách đột ngột trong môi trường nước và vật chủ gây nên sự bùng phát dịch bệnh cần được xem xét kỹ hơn. WSSV có tính hướng vào các tế bào có nguồn gốc ngoại bì và trung bì, nhưng không lây nhiễm vào các tế bào có nguồn gốc nội bì (đường ruột và tuyến ruột). Do các tế bào có nguồn gốc nội bì có phản ứng âm tính với WSSV, biện pháp loại trừ virus thông qua loại trừ các chất thải do tôm sống thải ra là không có tác dụng.
Kiểm tra các mô có tính hướng với WSSV cho thấy tôm nuôi bị nhiễm virus ở các giai đoạn khác nhau dường như không đóng góp virus để lây bệnh theo phương pháp ngang (lây bệnh gián tiếp). Chính vì vậy, chỉ có các sự kiện trong ao đầm, tiếp theo là tôm bị bệnh và chết là quan trọng. Hai sự kiện quan trọng nhất có thể xảy ra là tôm còn khoẻ ăn các tôm bị phát bệnh hoặc tôm chết và quá trình phân huỷ của các tôm chết do đốm trắng là các nguyên nhân chính của sự bùng phát virus và dịch bệnh trong ao nuôi tôm.
Các chiến lược can thiệp nhằm ngăn chặn sự bùng nổ bệnh đốm trắng ở một vùng cần tập trung vào tôm ở giai đoạn đang bị bệnh Cần ngăn chặn hiện tượng các tôm khoẻ ăn phải các tôm đã bị nhiễm virus và hiện tượng phân huỷ khi các tôm này bị chết.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một giả thiết rằng WSSV là một loại đặc trưng riêng và xảy ra ở tôm ở mức độ thấp. Chỉ khi trong những hoàn cảnh nhất định (stress), những tôm bị nhiễm, có hình thái khoẻ mạnh bình thường, mới chuyển sang giai đoạn phát bệnh. Tôm mắc bệnh bị yếu và chết là những dấu hiệu đầu tiên của sự bùng nổ dịch bệnh. Trong suốt thời gian phát bệnh, sự tiêu thụ thức ăn tổng hợp giảm đột ngột. Trong cùng thời gian này quan sát thấy các dải phân của tôm có màu đỏ trong các khay kiểm tra (quan sát cá nhân). Điều này chỉ ra rằng những con tôm khoẻ trong ao đã ăn những tôm đã bị yếu hoặc tôm chết do bệnh.
Những con tôm khoẻ mạnh trong ao rất thích ăn những tôm sắp chết do nhiễm bệnh thay vì ăn thức ăn nhân tạo và nhanh chóng bị lây nhiễm virus do ăn phải tôm bệnh. Tôm là loại động vật ăn chậm và trong quá trình ăn chúng xé nhỏ những tôm bị chết bệnh. Điều này làm hàng triệu mảnh vụn có nhiễm virus phát tán ra môi trường tạo cơ hội lây nhiễm sang những tôm khác qua con đường gián tiếp. Theo ý kiến của các tác giả, sự bùng nổ hội chứng đốm trắng của tôm nuôi trong ao đầm là hậu quả của quá trình tôm khoẻ ăn phải những tôm yếu và chết do nhiễm bệnh đốm trắng. Sự yếu đi và chết của một số ít tôm bệnh là nguyên nhân lây lan và bùng nổ dịch bệnh trong quần đàn tôm nuôi.
Có hai giải pháp có thể áp dụng nhằm ngăn chặn sự bùng nổ của hội chứng đốm trắng ở khu vực có bệnh. Giải pháp thứ nhất là quản lý các nguyên nhân gây stress. Phương pháp này cần xác định rõ và ngăn chặn các nhân tố gây nên sự chuyển từ trạng thái ủ bệnh của tôm nuôi sang trạng thái phát bệnh. Các nhân tố này có sự khác biệt giữa các vùng nuôi cũng như giữa các ao nuôi khác nhau. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một số nhân tố liên quan đến ao nuôi như : Mưa trái mùa, những ngày trời nhiều mây, tảo nở hoa, v.v... đều liên quan đến sự bùng nổ của bệnh. Chính vì vậy, quản lý được hết các nhân tố gây stress liên quan đến sự bùng nổ của hội chứng đốm trắng ở tôm nuôi là rất khó khăn.
Giải pháp thứ hai là loại trừ những tôm yếu và chết do bị nhiễm bệnh ra khỏi ao đầm nuôi càng nhanh càng tốt trước khi những tôm khoẻ ăn phải tôm bị bệnh này.
Hàng loạt những biện pháp đã được thử nghiệm nhằm loại trừ những tôm bị yếu do nhiễm bệnh ra khỏi ao đầm. Biện pháp dùng tay nhặt những tôm bị chết ở ven bờ, lặn và nhặt bỏ tôm chết, xử lý formaline và loại bỏ tôm yếu đã được thử nghiệm. Mỗi biện pháp có những hạn chế về cách thức tiến hành và chi phí nhất định. Dựa trên những cơ sở này, chúng tôi đề xuất mô hình dùng các loài cá ăn động vật để loại bỏ các tôm bệnh khi chúng đã bị yếu.
Hệ thống này cần phải làm việc một cách liên tục. Mô hình sẽ loại trừ khỏi ao nuôi thật nhanh nguồn mầm bệnh (tôm bị nhiễm bệnh). Theo phương cách này, sự lây truyền bệnh do tôm khoẻ ăn phải tôm bệnh và lây lan qua môi trường nước được hạn chế một cách đáng kể.
Một câu hỏi rất giá trị là lựa chọn loài/những loài cá nuôi nào thích hợp cho mô hình nuôi kết hợp này. Đây phải là những loài cá có khả năng ăn động vật và không săn đuổi tôm khoẻ trong ao nuôi. Các loài cá này phải có khả năng lựa chọn, bắt và nuốt các tôm đã bị yếu hoặc chết thay vì rỉa những con tôm này. Loài cá có khả năng ăn đáy được cho là phù hợp. Mật độ cá thả, cỡ cá thả là những yếu tố chính quyết định mô hình đối với loài cá đã được xác định.
Có thể thả cá với kích cỡ phù hợp tại bất kỳ thời điểm nào trong chu trình nuôi khi thấy thích hợp. Một điều cần đề cập ở đây là thông thường thấy tôm thu hoạch với năng suất cao luôn đi kèm với kết quả cá nuôi thu hoạch có nhiều kích cỡ khác nhau kể cả cá ăn động vật. Sự có mặt của cá nuôi trong ao không ảnh hưởng đến lượng tôm thả như dự kiến. Tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt trên 80% đã được ghi nhận ở những ao nuôi tôm kết hợp với cá chẽm (Lates calcarifer) với số lượng đáng kể (quan sát cá nhân). Giả định rằng cá ăn động vật loại trừ những tôm bị bệnh có trong ao, điều cần thiết là phải kiểm tra phân của cá nuôi có bị nhiễm bệnh hay không.
Sự thành công đã được thấy ở những hệ thống nuôi kết hợp sử dụng cá ăn tạp như cá rô phi kết hợp với tôm nuôi ở các nước như Ecuađo và Inđônêxia, các nông dân đã nuôi cá rô phi kết hợp với tôm trong ao đầm và đã giảm được những thiệt hại do hội chứng virus Taura (Taura Syndrome Virus TSV) và cải thiện tốc độ tăng trưởng.
Khả năng cá rô phi ăn các tôm bị yếu và chết do nhiễm TSV và vì vậy hạn chế những rủi ro lây nhiễm qua con đường ăn uống của tôm nuôi, điều này đã được tranh luận là có tác dụng nâng cao sức tăng trưởng của tôm nuôi trong hệ thống nuôi kết hợp.
Ngoài lợi ích này, hình thức nuôi kế hợp với cá như cá rô phi cũng đã cho thấy có những tác dụng tích cực khác trong cải thiện chất lượng nước, đáy ao v.v... Một loài cá ăn tạp như cá rô phi có tác dụng tích cực, nhưng không có đủ khả năng đáp ứng hết những yêu cầu nhằm ngăn chặn sự bùng phát của WSS. Khi ăn các tôm yếu và tôm chết do bị nhiễm bệnh, cá rô phi thường rỉa con mồi và điều này sẽ dẫn đến sự phân rã của tôm bệnh, đây là điều không mong đợi.
Các bằng chứng gần đây của một nghiên cứu dịch tễ đã cho những kết quả rất thú vị. Kết quả điều tra 3951 nông trại nuôi tôm ở 13 nước châu á đã cho thấy ở các nông trại nuôi tôm kết hợp có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn.
Các nông dân ở nhiều nước trên thế giới kể cả Ấn Độ đã sử dụng một khoản kinh phí lớn nhằm ngăn ngừa và quản lý WSS. Chúng tôi cảm nhận rằng giải pháp dùng sự can thiệp sinh học sử dụng cá ăn động vật nhằm loại trừ những tôm yếu và tôm chết do nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của tôm bị bệnh sang tôm khoẻ là một sự khám phá có ý nghĩa ở cả hai mức độ thực tiễn và trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học trong sự nỗ lực phối hợp nghiên cứu. Tìm ra loài cá thích hợp cũng như các yêu cầu khác về kỹ thuật nuôi kết hợp sẽ đem lại thắng lợi cho biện pháp mới này.
Aquaculture Asia số VI (1) - tháng 1-3/2001 B.T.T
VIETLINH Pte. Official Homepage
Xem tiếp tham khảo về bệnh đốm trắng (phần 2)
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.