• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kinh nghiệm và kỹ thuật trồng mai (hoa mai)

 

 

Trồng mai

Mai là loài cây dễ trồng và cũng không phải là loài cây khó ra hoa. Không những chỉ sau 2 –3 năm trồng, là cây đã cho hoa rộ, có cây chỉ sau năm đầu tiên đã cho hoa bói, mà còn có khả năng ra hoa trái vụ, cây lại cho hoa chùm, mỗi mắt lá có tới 5 – 6 bông hoa, nên hoa thường rất dầy đặc. Các cây hoa mai của bạn trồng đã lâu, gốc đã to mà chưa cho hoa hay cho hoa rất ít, thì đó có thể là vấn đề thuộc về giống.

Gặp trường hợp này, nhiều người đã phá bỏ chúng đi để trồng cây mai mới. Nhưng để tranh thủ thời gian và độ lớn của cây, khỏi lãng phí công sức, bạn có thể cắt bỏ hết các cành cũ đi, chờ cho lớp cành mới mọc ra, tỉa bỏ và sắp xếp các chồi non để cây sẽ cho tán cây vừa ý mình sau này, chờ chúng có tuổi 7 – 8 tháng, thì lấy hom hay mắt của cây giống mà bạn định thay thế để ghép vào. Thời vụ tốt nhất là mùa khô, cách ghép có thể là ghép áp, ghép nêm hay ghép bo. Bạn cũng có thể ghép vào mùa mưa được, nhưng phải bảo vệ kỹ, để nước không ngấm vào làm thối vết thương. Cách ghép chắc sống nhất là lấy ngọn của cành giống ghép vào ngọn của cành cây gốc ghép, gọi là "ghép cắm đọt" hay lấy mắt của cây giống đã bắt đầu nẩy chồi để ghép mắt gọi là "ghép mắt kim". Làm thành công, ngay sau khi các hom ghép, mắt ghép thành cành, vào vụ hoa, cây mai đã cho hoa ngay được.

Thường thì trồng mai trong chậu, khi cây còn nhỏ, cứ 2 năm nên thay chậu to hơn một lần, khi cây to hơn thì 3 năm, tới khi cây thành cây cổ thụ mới thôi. Kết hợp với thay chậu là thay đất. Khi thay chậu, bạn nên uốn nắn bộ rễ, cắt bỏ các rễ chết, rễ nhỏ, sắp xếp lại tạo cho cây có bộ rễ mới, cây càng có giá trị thẩm mỹ hơn. Đất thay cho cây phải là loại đất tốt, không ô nhiễm, không nhiễm mặn, nhiễm phèn. Cây mai rất chịu phân hữu cơ, nên đất cần trộn với khoảng 1/4 - 1/3 là phân chuồng hoai mục. Nên tránh thay chậu vào mùa khô. Trong mùa khô phải dùng nước sạch để tưới vào các buổi sáng, tối, tưới vừa đủ, không để nước chảy ra nhiều, sẽ làm trôi mất chất có chứa trong đất.

Người ta thường bón thúc cho cây mai hằng năm theo hai mùa. Đầu mùa mưa, để giúp cây sinh trưởng tốt, phát triển cành lá, vào đầu mùa khô, để giúp cây có sức ra hoa. Lượng phân bón ít, song cần có chất lượng, có thể dùng phân hỗn hợp NPK, phân vi sinh hay bánh dầu xay nhỏ lên mặt chậu, kết hợp xới nhẹ đất cho thoáng và khi tan, phân xuống sâu, giúp cây hấp thụ nhanh. Ngoài hai lần chính, có người còn dùng nước phân hay khô dầu ngâm ải pha loãng tưới suốt mùa khô, 15 – 20 ngày một lần tới trước khi hái lá mới nghỉ.

Cây mai tuy ít sâu bệnh, nhưng có một con sâu đáng sợ, đó là con sâu đục thân, cần quan sát theo dõi cây thường xuyên, khi phát hiện thấy phân sâu như mùn cưa xuất hiện trên thân, cành, phải tìm ngay lỗ đục của nó, dùng ống kim tiêm bơm thuốc vào rồi vít lỗ, sâu sẽ chết. Để tới khi lá cây héo thì quá muộn, đồng thời quan sát để tỉa bỏ chồi tược, tránh làm cây bị hỏng tán phá thế. Muốn hoa ra trúng Tết, ngay từ mồng 10 tháng chạp đã phải quan sát nụ hoa và thời tiết. Nếu tiên đoán nửa cuối tháng chạp trời rét, thì hái lá sớm, còn thời tiết ấm, thì hái lá muộn đi, không nhất thiết cứ phải đúng ngày rằm tháng chạp, thời gian sớm muộn cũng chỉ là 1 – 2 ngày. Làm sao cho tới đúng ngày 23 tháng chạp, đa số các nụ hoa đã bung vỏ lụa là vừa. Nếu tới 25 – 26 tháng chạp vỏ lụa của nụ chưa bung, thì phải pha loãng phân NPK mà tưới thúc. Trái lại lúc này đã thấy có nụ chưa nở, thì phải hạn chế tưới nước, để đất khô mà hãm lại.

NNVN, 5/5/2004

 

Chăm sóc cây mai sau Tết

Tuy mai dễ trồng, dễ tính nhưng sau Tết không chăm sóc, cây sẽ cằn cỗi và càng không thể cho hoa trong năm tới.

Cần biết rằng, mùa xuân là mùa cây mai phát triển tốt nhất so với các thời điểm khác trong năm, việc bứng mai, di dời vì thế cũng dễ dàng. Cây mai tuy ưa nắng, nhưng không có nghĩa là có khả năng chịu hạn cao. Trong mùa nắng phải tưới nước thường xuyên để giữ đủ ẩm cho mai. Với mai trồng đại trà ngoài vườn, mỗi ngày hoặc cách ngày cần tưới nước một lần. Tưới thẳng vào gốc và xịt nước với tia nhỏ lên khắp tán lá sẽ giúp mai mát và phát triển tốt hơn. Nên tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới vào giữa trưa nắng. Chú ý rằng, khi vào mùa mưa, mai trồng trong vườn thường không cần tưới, tuy vậy nếu trường hợp nhiều ngày nắng gắt kéo dài thì phải tưới nước để giữ ẩm cho đất. Mai kiểng trồng trong chậu thường bị khô nước vì đất chứa trong chậu quá ít nên không giữ ẩm được lâu, do đó phải tưới nước mỗi ngày. Nếu mùa khô phải tưới 2 lần/ngày. Cần chú ý đến độ rút nước từng chậu, nếu thấy có tình trạng úng nước phải dùng que nhỏ thông ngay, nếu để lâu cây mai sẽ bị chết vì bộ rễ bị hư.

Bón phân cho cây mai sau Tết

Theo TS. Nguyễn Xuân Trường (Công ty phân bón Bình Điền), bón phân cho mai khá đơn giản nhưng là khâu rất quan trọng giúp mai sinh trưởng, phát triển tốt và cho bông nở đúng dịp mong muốn. Đối với mai mới trồng hoặc mai đã cho bông sau Tết cần phải bón phân ngay. Thời kỳ này cần phải bón phân cho mai sinh trưởng tốt về cành lá. Lúc này yêu cầu đạm và lân nhiều, kali ít hơn. Loại phân thích hợp nhất cho mai sau Tết hay mới trồng đang đâm cành, ra lá là NPK 20-20-15 + TE Đầu Trâu. Lượng bón từ 30 - 50 g/chậu đường kính 50 - 60 cm cho mỗi lần bằng cách xới nhẹ đất trong chậu, rải phân theo mép chậu rồi lấp đất. Định kỳ 1 - 2 tháng bón 1 lần. Đối với mai trồng trong vườn, lượng bón 30 - 50 g/cây/lần. Bón quanh gốc theo đường chiếu của vanh tán bằng cách xới nhẹ đất rồi rải phân và lấp đất. Mỗi tháng bón 2 - 3 lần, quan sát thấy cây ra lá, cành lá tươi tốt là được. Nếu thấy lá quá đậm thì giảm số lượng cũng như số lần bón xuống. Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 định kỳ 10 - 15 ngày/lần. Vào mùa mưa từ tháng 6 - 10 dương lịch, dùng phân NPK 13-13-1.300.000 + TE Đầu Trâu để bón, mỗi lần bón 30 - 50 g/chậu, mỗi tháng bón 1 - 2 lần. Bón các loại phân trên đã cung cấp đầy đủ các chất đa lượng và vi lượng cho mai. Tuy nhiên khi thay đất hoặc sau 3 - 4 tháng kể từ khi thay đất có thể bón thêm phân chuồng: phân bò, heo, gà, vịt đã ủ kỹ kết hợp với tro trấu cũng rất tốt. Khi kết thúc mùa mưa: khoảng giữa tháng 11 dương lịch, tiến hành tỉa lại tán nếu chưa thật vừa ý rồi chỉ tưới nước dưỡng cây.

PHƯƠNG DUY - Khoa học phổ thông, 06/02/2009

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang