Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm hàng năm trên dưới 50.000ha nên việc quản lý, bảo vệ tôm nuôi trước những tác động của thời tiết, môi trường là một trong những vấn đề ngành chuyên môn rất quan tâm, bởi con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trước tình hình bệnh do bào tử trùng gây ra trên tôm nuôi ngày càng có chiều hướng gia tăng nên công tác phòng ngừa loại dịch bệnh này là rất quan trọng nhằm đảm bảo vụ tôm năm 2020 thắng lợi.
Cải tạo ao một cách khoa học trước vụ nuôi, góp phần ngăn ngừa các dịch bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: Thúy Liễu
Bệnh do bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) xuất hiện đầu tiên tại Thái Lan vào năm 2009 trên tôm sú thương phẩm và tôm bố mẹ, EHP lây trực tiếp từ cá thể tôm này sang cá thể tôm khác trong cùng đàn tôm. Hiện bệnh do EHP ngày càng tăng cao ở các nước Đông Nam Á. Còn ở Việt Nam, bệnh do EHP đã được tìm thấy trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh do EHP không gây chết hàng loạt trên tôm như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp nhưng gây thiệt hại về kinh tế vì mức độ chậm lớn nên tiêu tốn thức ăn dẫn đến tình trạng sức đề kháng tôm yếu, dễ bị nhiễm thêm tác nhân khác.
Dấu hiệu chính của bệnh do EHP là tôm chậm lớn, tôm phân đàn với nhiều cỡ khác nhau, trường hợp bệnh nặng, tôm có biểu hiện mềm vỏ, gan tụy nhạt màu, bơi lội chậm, giảm bắt mồi và ruột rỗng không có thức ăn.
Cần kiểm tra tôm nuôi thường xuyên nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện dịch bệnh trên tôm để phòng trị. Ảnh: Thúy Liễu
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, giải pháp phòng bệnh do EHP gây ra trên tôm nuôi là người nuôi cần chọn con giống tốt đã được xét nghiệm bằng phương pháp PCR không mang các mầm bệnh thông thường trên tôm, con giống có màu sắc sáng bóng, kích cỡ đồng đều, đầy đủ phụ bộ, không bị dị hình, bơi ngược dòng nước, phản ứng nhanh với tiếng động hoặc ánh sáng; khuyến cáo hộ nuôi tôm nên nuôi theo hình thức 2 giai đoạn, trong giai đoạn ương và trước khi san ao kiểm tra sự hiện diện của EHP trong tôm để quyết định tiếp tục nuôi hay hủy bỏ trong trường hợp nhiễm EHP nhằm giảm thiệt hại kinh tế. Đồng thời, đối với nuôi tôm thâm canh, bắt buộc phải có ao lắng để chủ động nguồn nước sạch cấp vào ao nuôi khi cần và nguồn nước đầu vào phải được trữ trong ao lắng lọc từ 2 - 3 ngày, tiến hành xử lý bằng thuốc tím, sau 24 giờ xử lý bằng chlorine liều lượng phù hợp và mở hệ thống quạt nước khoảng 1 tuần có thể cấp nước vào ao nuôi. Còn việc cải tạo ao phải đúng quy cách sao cho có thể loại bỏ được mầm bệnh tồn tại từ vụ nuôi trước, nếu không các mầm bệnh này có khả năng là mối nguy cho vụ nuôi tiếp theo.
Để ao nuôi ngăn ngừa tốt dịch bệnh có thể cải tạo ao ướt và ao khô, với ao bùn ướt tiến hành cào sên bùn đáy ao về khu chứa bùn; với ao cải tạo khô phơi đáy ao từ 2 - 3 tuần, sau đó xới bùn đáy ao rải vôi khắp ao liều lượng cao khoảng 6 tấn/ha, xử lý bằng chlorine liều lượng phù hợp. Riêng ao lót bạt sau nuôi nên sử dụng máy bơm áp lực cao làm sạch bạt, chà rửa sạch bề mặt bạt, tạt vôi, phơi ít nhất 1 tuần và rửa lại bằng chlorine trước khi lấy nước từ ao lắng vào.
Trong quá trình nuôi cần giám sát thường xuyên tình trạng sức khỏe tôm nuôi cũng như sự biến động các yếu tố môi trường để kịp thời can thiệp; thường xuyên kiểm tra gan tụy và đường ruột tôm, trường hợp tôm khỏe có gan tụy màu nâu sáng, kích thước bình thường, đường ruột đầy thức ăn, nếu tôm bệnh sẽ có gan tụy nhạt màu, kích thước khối gan tụy nhỏ lại hoặc mềm nhũn, ruột rỗng hoặc chứa thức ăn không liên tục, khi phát hiện dấu hiệu tôm nuôi bất thường gan tụy giảm 50% lượng thức ăn, tăng cường quạt, kiểm tra pH, ôxy hòa tan, độ kiềm… thay nước khi nồng độ nitrite và ammonia cao. Song song đó, tôm giai đoạn từ 30 - 60 ngày tuổi, kiểm tra tăng trọng 2 tuần/lần, sau 60 ngày tuổi kiểm tra tăng trọng hàng tuần; thường xuyên kiểm tra sàng ăn, tránh trường hợp cho ăn dư làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các nhóm vi sinh vật, ký sinh gây bệnh phát triển…
Cũng theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, để phòng trị bệnh do EHP gây ra trên tôm hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện chiến lược theo hướng kết hợp an toàn sinh học trong sản xuất giống, chuẩn bị ao nuôi thích hợp và quản lý ao nuôi tốt trong quá trình nuôi cũng như tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học trong ao nuôi, tránh tình trạng lây lan mầm bệnh giữa các ao trong cùng trang trại hoặc trong cùng một khu vực, cần có dụng cụ chăm sóc riêng, kể cả người nuôi cũng phải lưu ý đến vấn đề lây lan bệnh…
Thúy Liễu - Báo Sóc Trăng, 4/07/2020
Tham khảo thêm:
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin về nuôi tôm
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.