• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng trừ dịch bệnh tôm

Chuyên gia khuyến cáo, trường hợp tôm có dấu hiệu dịch bệnh đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch, nhưng không được để tôm và nước rơi vãi ra vùng nuôi.

Cần bổ sung vitamin cho tôm nhằm tăng đề kháng

Chấp hành đúng quy trình kỹ thuật

Thời tiết diễn biến phức tạp khiến một số dịch bệnh tôm nuôi trên đầm phá bắt đầu xuất hiện. Từ khi thả giống vụ nuôi tôm mới, ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) “ăn ngủ cùng tôm” để chăm sóc, theo dõi và xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu dịch bệnh.

“Mấy ngày nay, một số tôm nuôi có dấu hiệu lờ đờ, nổi lên mặt nước, bơi vào ven bờ ao. Có thể do tôm có dấu hiệu xuất hiện một số loại dịch bệnh. Nguyên nhân ban đầu xác định, diễn biến thời tiết thất thường, phức tạp, một phần có thể do chất lượng nguồn giống không đảm bảo. Tôm giống trước khi thả nuôi không được kiểm tra, kiểm dịch bằng máy PCR”, ông Chương nhận định.

Qua nhiều vụ nuôi tôm thắng lợi, ông Chương đúc kết, nhờ ứng phó, xử lý hiệu quả, kịp thời các loại dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đó là, khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh, trước tiên báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, chấp hành quy định lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, tiến hành đóng cống, không xả nước trong ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường. Không giấu dịch mà phải báo với tổ nuôi trồng thủy sản, chi hội nghề cá, các chủ hộ nuôi tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch.

Hơn 20 năm nuôi tôm trên vùng đầm phá, ông Nguyễn Thanh Liêm ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) được mệnh danh “Liêm tôm” nhờ kinh nghiệm “dồi dào”, nhiều vụ “thắng lớn”. Có những thời điểm nhiều hộ nuôi thua lỗ vì ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ông Liêm vẫn trong diện số ít hộ có lãi, thậm chí lãi lớn. Bài học rút ra là phải nắm vững các khâu xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh và chấp hành đúng quy trình kỹ thuật của cơ quan chức năng.

Ông Liêm trao đổi, trường hợp tôm nuôi nhiễm các bệnh thông thường, tùy vào tình hình thực tế từng ao nuôi để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Trước tiên phải báo với cán bộ thú y đến kiểm tra, hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời các loại dịch bệnh. Các hộ nuôi phải cảnh giác, chủ động phòng trừ các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, taura, hội chứng gan tụy... hay tôm có hiện tượng chết hàng loạt, nhanh.

Khi gặp những sự cố, các loại dịch bệnh trên, theo kinh nghiệm của ông Liêm là không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài, không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tuyệt đối không sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, làm thức ăn tươi sống cho thủy sản khác tránh dịch bệnh lây lan diện rộng. Ông Liêm cũng như các hộ nuôi tiến hành rải vôi, hoặc chlorine quanh bờ ao, mái bờ bên trong của ao; đồng thời đánh dấu ao tôm bị bệnh bằng cách khoanh vùng bằng lưới, cắm cờ ở góc ao...

Khuyến cáo từ chuyên gia

Thường xuyên kiểm tra kỹ cống cấp thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường

Chuyên gia nuôi trồng thủy sản, TS. Mạc Như Bình, Trường Đại học Nông lâm –Đại học Huế khuyến cáo, ngoài các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường, các hộ nuôi cần lưu lý khi tôm đến thời kỳ thu hoạch có dấu hiệu dịch bệnh thì phải thu hoạch ngay, tránh thiệt hại lớn. Sau khi thu hoạch phải xử lý nước ao bằng chlorine đúng liều lượng trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Đối với tôm còn nhỏ, chưa thể thu hoạch, theo ông Bình nếu xảy ra dịch bệnh không có con đường nào khác ngoài việc xử lý tiêu hủy bằng chlorine. Sau khi xử lý bằng hóa chất, các hộ nuôi phải vớt xác tôm đem chôn, đốt hoặc nấu chín kỹ làm thức ăn cho gia súc, không để xác tôm rơi vãi ra vùng nuôi. Các dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến nuôi tôm phải được vệ sinh sạch sẽ bằng chlorine. Riêng những ao nuôi xen ghép tôm, cua, cá bị dịch phải xử lý như nuôi chuyên tôm nhưng nồng độ chlorine thấp hơn.

Ông Bình lưu ý, các cơ sở, ao nuôi chưa có bệnh ở trong vùng có dịch phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi trồng thủy sản. Các hộ nuôi bổ sung các loại vitamin, tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh và lây lan diện rộng. Các cơ sở, hồ nuôi chưa bị bệnh phải hạn chế tối đa bổ sung nước, thay nước trong thời gian địa phương công bố dịch; tăng cường giám sát tôm nuôi mắc bệnh, báo cáo với chính quyền địa phương, hoặc nhân viên thú y xã và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.

Một trong những biện pháp được ông Bình yêu cầu các hộ nuôi phải tuân thủ nhằm hạn chế rủi ro, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời, đó trong quá trình nuôi phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi để có sự điều chỉnh hợp lý; phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường của tôm. Người nuôi phải kiểm tra chặt chẽ thức ăn, chủng loại và hạn sử dụng thuốc thú y. Quá trình nuôi tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn, bảo quản thức ăn, thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát… 

Bài, ảnh: Hoàng Triều - Báo Thừa Thiên Huế, 17/03/2020

Tham khảo thêm:

Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin về nuôi tôm

Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin về bệnh tôm

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang