• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm rơm

Trà Vinh: Trồng thành công nấm rơm không phủ rơm áo

Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường Trà Vinh vừa trồng thử nghiệm thành công hơn 6.000 mét mô nấm rơm không phủ rơm áo ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), với năng suất thu hoạch trung bình từ 1,7 đến 2kg/mét mô, cao hơn phương pháp trồng phủ rơm áo từ 0,2 đến 0,5kg/mét mô. Phương pháp trồng mới này có ưu điểm vừa tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, dễ chăm sóc, hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện trung tâm đang tổ chức tập huấn cho nông dân trong tỉnh áp dụng nhân rộng mô hình này.

Được biết, từ đầu năm đến nay, nông dân ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành và Càng Long đã trồng được 1,2 triệu mét mô nấm rơm, năng suất bình quân đạt 1,6kg/mô, sản lượng ước đạt 1.920 tấn. Với giá bán từ 4.000 đến 6.000 đồng/kg nấm tươi ở Trà Vinh, người trồng nấm đã thu được hơn 10,5 tỷ đồng.

TRƯƠNG CÔNG TRÍ (Nhân dân, 22/9/2003, theo Tin tức)

 

Những kinh nghiệm mới trong kỹ thuật trồng nấm rơm bằng cách không đậy

Qua những năm gần đây, người dân ở huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp đã trồng nấm rơm không cần che đậy đã thành công, vẫn cho năng suất khá tốt, ít công chăm sóc, tăng số mét mô vì không cần đậy rơm nên lượng rơm đó làm số mét tăng lên.

Việc xuất khẩu nấm rơm muối hàng năm của Vĩnh Long đã đạt mức doanh thu khá cao góp phần cho kinh tế tỉnh nhà ngày một phát triển. Nhưng để đảm bảo sản lượng như vậy nên công ty xuất khẩu phải mua nấm tươi từ các tỉnh lân cận mới đủ số lượng nên nhập thêm 90%, còn tại tỉnh nhà chỉ đáp ứng 10% mà thôi. Trong khi đó Vĩnh Long có diện tích canh tác lúa khá rộng hơn 75.000 ha, lại sản xuất 2-3 vụ lúa/năm thì số lượng rơm rạ thải ra một lượng lớn, nhưng lại bỏ phí chỉ đốt đồng hoặc thải bỏ xuống kinh mương làm ô nhiễm môi trường nước và không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Sau vụ giáp hạt thì sức lao động ở nông thôn dư ra rất nhàn rổi làm xảy ra nhiều tệ nạn xã hội khác.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, đồng thời còn làm tăng thu nhập thêm cho nông hộ về kinh tế nói riêng còn góp phần cung cấp thêm nguồn phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái phát triển tốt, cũng tăng thêm nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.

Vì vậy đầu năm 2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành dự án phát triển trồng nấm rơm xuất khẩu, để giải quyết công lao động nhàn rổi ở nông thôn, tăng thu nhập kinh tế gia đình, đáp ứng phần nào cho xuất khẩu.

Trong vụ hè thu 2002 bước đầu đã triển khai kỹ thuật trồng nấm rơm bằng cách không đậy đã thành công ở nhiều địa phương trong tỉnh như xã Trà Côn (Trà Ôn), xã Bình Ninh (Tam Bình), xã Long An (Long Hồ), xã Trung Hiệp, xã Trung Ngãi (Vũng Liêm). Ở ấp 2, xã Trung Ngãi cho năng xuất khá được UBND tỉnh đánh giá khá cao có thể nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh trong vụ thu đông sắp tới.

Những ưu điểm của kỹ thuật trồng nấm rơm không đậy:

- Thực hiện đơn giản, tốn ít công lao động trong khâu chăm sóc và chất mô nấm.

- Làm với qui mô lớn vì tận dụng tất cả được các diện tích dưới tán cây ăn trái, vì vậy có thể trồng với diện tích đại trà phục vụ cho xuất khẩu.

- Sau thu hoạch phụ phẩm đó là lượng phân hữu cơ phục vụ cho cây trồng rất tốt.

- Không cần đậy rơm từ đó làm tăng thêm chiều dài mô lên.

- Nấm rơm phát triển ít bị dợp hơn là trồng nấm rơm có đậy.

Kỹ thuật trồng

1. Chọn địa điểm:

Trồng nấm không đậy chỉ cần ánh sáng rất ít meo nấm vẫn phát triển tốt, nên chọn nơi đất thoáng mát, thoát nước tốt khi mưa lớn, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm ảnh hưởng đến tơ nấm. Không nên chọn đất chất mô nấm trước đó trước sáu tháng tránh mầm bệnh lây lan, 100 công rơm chỉ cần 1.500 m2 đất là đủ.

2. Ủ rơm - chọn rơm:

Không nên chọn loại rơm quá mục nát, ruộng lúa bị cháy rầy... còn lại tất cả đều dùng được.

Ủ rơm: đây là khâu quan trọng để nấm cho năng suất cao, mục đích làm rơm chín, phân hủy một số độc có trong rơm khi ta canh tác có sử dụng 1 số nông dược.

Kích thước mô ủ: chiều ngang 2 m,chiều cao 1,5 m, chiều dài tùy thuộc vào lượng rơm ủ. Ta tiến hành chất thành từng lớp cao 2-3 tất tưới nước dậm dẻ, sau đó chất tiếp tục đến khi có chiều cao 1,5 m là được. Sau đó khoảng 7 ngày sau tiến hành đảo rơm ủ cho rơm chín đều có thể rải vôi bột trong lúc ủ rơm xử lý đất và cho rơm mau chín.

Chú ý: Khi chất rơm ủ, nên dậm xung quanh đống rơm, còn ở giữa đống rơm nên dậm sơ và tưới nước mà thôi chủ yếu làm tăng nhiệt độ giữa đống rơm ủ.

3. Chọn meo giống:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại meo nấm được bán do nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Khi chọn meo cần chú ý các đặc điểm sau:

- Quan sát thấy tơ mọc thẳng, nhánh tơ phân phối đều khắp bịt có màu trắng, có hình lông chim.

- Mật độ đóng tơ dày.

- Ngửi có mùi nấm rơm.

Không nên chọn bịt meo có đặc điểm sau:

- Bịt meo nhiễm mốc xanh, đen, mốc vàng cam...

- Đáy bịt meo ướt nhão.

- Ngửi có mùi chua.

Một bịt meo có thể chất từ 3-4 mét mô. Nếu thấy 2 bịt meo tốt như nhau, ta bóp thấy bịt meo nào cứng thì có thể rải dài hơn, còn bịt mềm nên rải khoảng 2 mét mô mà thôi.

Chú ý: Nên bẻ meo nhẹ nhàng, không nên vò mạnh làm tơ bị dập ảnh hưởng đến sự phát triển của meo.

4. Chất mô nấm:

Sau khi rơm ủ đã chín, thì tiến hành chất mô. Loại bỏ lớp rơm ngoài xung quanh đống rơm. Rơm ủ lấy ra cuộn tròn, tém gọn 2 đầu như cái gối, đường kính cuộn rơm 2-3 tất, chất thành giồng nối tiếp nhau sau đó ém rơm xung quanh gọn gàng tưới nước và rải meo, rồi đậy lại 1 lớp rơm mỏng 0,5 phân phủ lớp meo lại, nên rải meo ở giữa giồng. Nếu trong mùa mưa ta nên dựng đứng lọn rơm để nước thoát dễ cân đối nước trong giồng nấm.

Chú ý: Khi tiến hành chất mô nên xem hướng gió, ta sẽ chất mô dọc theo chiều gió để khi gặp mưa dầm gió làm cân đối được lượng nước trong giồng mô.

5. Chăm sóc:

a) Tưới nước ngày 1 lần có thể tưới bằng máy bơm, moter, hoặc bằng thùng có gắn búp sen.

- Nếu tưới thừa nước giồng sẽ bốc hơi tự điều chỉnh.

- Nếu tưới ít nước nấm sẽ mọc sâu trong giồng.

b) Sử dụng thuốc dưỡng nấm:

- Sử dụng HVP (dùng cho nấm), liều dùng: 3 lít/1.000 mét mô tưới vào 3 giai đoạn:

+ Tưới trước khi rải meo.

+ 5 ngày sau khi rải meo.

+ chuẩn bị có nấm: 9-10 ngày.

- Phun thuốc kích thích: HQ 201, Atonik lên nấm lúc nấm trứng cá để nấm lớn nhanh (liều dùng như hướng dẫn ở bao bì).

- Có thể sử dụng thuốc trừ mạc, nên sử dụng thuốc mau phân hủy để tránh độc hại, nên dùng thuốc Sumithion để phun trước khi rải meo.

6. Thu hoạch:

- Thu hoạch ngày 2 lần lúc sáng và chiều mát.

- Sau khi chất mô từ 10-13 ngày là thu hoạch, thu hoạch nấm không đậy khó hơn có đậy, nấm có màu đen nên thu hoạch dễ để sót.

- Năng suất bình quân từ 1,8-2 kg/m mô, còn tùy thuộc vào kỹ thuật và tùy loại rơm ủ. Nếu rơm ủ chín đều, đúng kỹ thuật thì năng suất sẽ cao hơn.

Nguyễn Văn Trạng - TTKN - Bản tin NN Vĩnh Long

 

Giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất nấm rơm 

Nghề trồng nấm rơm từ lâu đã phát triển  mạnh tại những vùng nông thôn Bến Tre, vì nghề này tận dụng nguồn phế phẩm phụ là: rơm  thải ra khi thu hoạch lúa, lại tận dụng công lao động nhàn rỗi góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tuy nhiên phần đông bà con nông dân trồng nấm chưa hiểu thấu đáo các đặc tính sinh học cũng như các điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ẩm độ) trong khi trồng nấm và nhất là chưa phát hiện được từng giai đoạn sinh trưởng của meo nấm, nguồn meo này cũng không ổn định có thể làm rơm ngày càng chua đắng ảnh hưởng đến chất lượng  và sản lượng nấm.

Vì những tác động này nên diện tích và sản lượng nấm rơm trong những năm qua hầu như không tăng, phụ phẩm tồn đọng ngày càng nhiều do làm lúa tăng vụ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường sinh thái. Từ thực trạng này Anh Nguyễn Hùng Nhân (Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre) cùng với các cộng sự đã nghiên cứu và xây dựng qui trình trồng nấm theo phương pháp khoa học bằng cách ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào nghề trồng nấm rơm nhằm giúp người sản xuất hiểu được cốt lõi của qui trình trồng nấm, nâng dần: diện tích-năng suất-thu nhập nấm theo thời gian…

Theo qui trình kỹ thuật giúp bà con nông dân nâng cao năng suất nấm rơm, trước hết trong khâu làm đống ủ phải: chọn nguồn rơm nguyên liệu tốt, để xác định rõ nguồn rơm tốt phải dùng giấy thử để đo độ pH của rơm (đo độ chua của rơm, xử lý vôi đúng liều lượng); bón vôi + DAP và xạ khuẩn (nếu có) phù hợp với mục đích làm gia tăng chất dinh duỡng và giúp rơm phân hủy nhanh. Khi chọn giống nấm phải chọn nơi cung cấp giống có uy tín để chọn loại meo nấm đạt yêu cầu (phát triển nhanh, kháng sâu bệnh..).

Đặc biệt trong quá trình trồng nấm nông dân nên trang bị một số trang thiết bị kỹ thuật để hỗ trợ như dùng: kính lúp để quan sát từng giai đoạn phát triển của tơ nấm xem tơ nấm có bị thiếu phân, bị nhiễm phèn hay phát triển không đều để chăm sóc và xử lý kịp lúc đồng thời phát hiện nấm tạp để tiêu diệt; sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ môi trường. Có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp, một mặt để đậy đống ủ, ổn định nhiệt độ  điều hòa ẩm độ tạo môi trường tốt cho nấm phát triển mặt khác màng phủ nông nghiệp có thể che mưa nắng khi cần, làm áo mô, chống tạo nhiệt, chắn gió…bên cạnh các thiết bị kỹ thuật này bà con nông dân có thể sử dụng thêm bình phun để: phun nước, tưới phân, xịt thuốc, phòng trừ sâu bệnh…

Các phương pháp kỹ thuật này giúp người trồng nấm hiểu được cốt lõi của qui trình trồng nấm rơm, biết cách sử dụng một số dụng cụ tiến bộ rẻ tiền như: kính lúp, nhiệt kế, giấy đo pH, màng phủ nông nghiệp; cách chọn rơm, meo giống đạt yêu cầu; cách bón phân cho đống ủ….

Mô hình đã được bà con nông dân tích cực hưởng ứng bước đầu  mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, theo tính toán từ mô hình thử nghiệm: nếu chi phí đầu tư việc trồng nấm trên 1000m2 rơm là 100.000 đồng (chưa tính các dụng cụ kỹ thuật) có ứng dụng kỹ thuật sẽ mang lại lợi nhuận là 340.000 đồng/ 1 vụ tăng hơn 100.000 đồng so với không đầu tư tiến bộ kỹ thuật, rủi ro trong trồng nấm ít xảy ra hơn.

Ngoài hiệu quả kinh tế không nhỏ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc trồng nấm rơm còn góp phần cải thiện môi trường nông thôn bằng cách: tận dụng triệt để nguồn phế phẩm phụ biến chúng thành nơi sản xuất ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo ngành nghề mới làm cảnh quan nông thôn thêm sinh động, đặc biệt làm giảm tỉ lệ thất nghiệp sau khi thu hoạch lúa. Bên cạnh đó các dụng cụ kỹ thuật hỗ trợ cho việc trồng Nấm chi phí không cao, phù hợp túi tiền nông dân lại có thể sử dụng cho nhiều vụ Nấm, được ứng dụng không chỉ trên Nấm rơm mà còn trên  các loại nấm khác như: bào ngư…

Với kỹ thuật mới làm cho diện tích và sản lượng nấm rơm không ngừng tăng lên, giải pháp này đã được chọn là 1 trong 22 giải pháp công nghệ đạt giải sáng tạo kỹ thuật và đề tài tự nghiên cứu của Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ nhất, do Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre vừa tổ chức. Giải pháp đã khuyến khích người trồng nấm trang bị các dụng cụ rẻ tiền, dễ áp dụng vào thực tế phục vụ cho nghề trồng nấm, phổ biến cho nông dân qui trình trồng nấm chi tiết mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao hơn so với tập quán cũ mở ra triển vọng cho nghề trồng nấm trở thành một ngành công nghiệp trồng nấm ứng dụng trên các phế phẩm nông nghiệp phụ khác như: mụn dừa, bả mía…đang tồn đọng ngày càng nhiều ở Bến Tre.

Hồng Quân  (Dost - BenTre, 22/12/2006)

 

Trồng nấm rơm kiểu mới

Cư dân 2 huyện Thốt Nốt và Ô Môn (Cần Thơ) xem trồng nấm rơm là nghề truyền thống của họ. Người có tuổi nghề ít nhất là 20 năm.

Ông Hai Beo ở ấp Qui II, xã Trung Kiên có kinh nghiệm trồng nấm rơm gần 15 năm nói : Tôi trồng 2 công nấm (2.000m2) sử dụng 4 ghe rơm (ghe 26 tấn) và 8 bao meo (1.040 bọc), thu hoạch được 2 tấn, bán giá 9.000 đồng/kg được 18 triệu, lãi "4 triệu". Tuy nhiên, thời gian trồng 1 đợt kéo dài mất 30 ngày, phải cần tới 14 lao động. Năng suất tùy vào thời tiết. Riêng tiền thuê mặt bằng 2 công đất lên đến 1,2 triệu đồng, nhưng chỉ trồng được 1 đợt. Trồng nấm bây giờ có nhiều kiểu. Riêng ông Nguyễn Duy Hải, nông dân ấp Sơn Lập xã Vọng Đông (Thoại Sơn - An Giang) đã thành công mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Theo ông Hải, diện tích nhà kín 18m2, sử dụng 600 bánh rơm (1 công rơm) và 70 bọc meo, cho thu hoạch từ 170 - 180 kg nấm. Bán được 1,6 triệu đồng, lãi 1,3 triệu đồng.Kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà kín:

Ủ rơm chín (rơm ướt ủ 3 ngày, rơm khô ủ 7 ngày), cho vào khung ép thành bánh (cỡ khung:30 x 22 x12cm), gói vào bao nilon đem phơi nắng 1 ngày, để nguội 1 đêm rồi cấy meo (1 bọc meo cấy từ 7 - 10 bánh rơm). Cấy xong, gói lại để nơi thoáng mát. Sau 7 ngày mở bao ra đem bánh rơm vào nhà kín, chất lên kệ. Dùng bình xịt phun nước (bình 8 lít phun cho 600 bánh rơm), giữ nhiệt ở 36o C. Nếu nhiệt độ giảm tiếp tục phun nước; còn nhiệt độ tăng, mở cửa sổ thoát nhiệt. Sau 4 ngày, nấm to bằng ngón tay, phun thuốc tăng trưởng KoMix (lọ 20cc pha bình 8 lít phun cho 600 bánh rơm). Sang ngày thứ 5 cho thu hoạch và thu hoạch kéo dài liên tiếp 10 ngày.

Thu hoạch xong đợt, quét dọn nhà kín, khử trùng bằng vôi bột để trồng tiếp đợt sau. Kỹ thuật trồng nấm trong nhà kín cho phép người trồng nấm sản xuất theo phương thức dây chuyền, mỗi đợt trồng 15 ngày (thời gian trong nhà kín) và không bị ảnh hưởng thời tiết. Đồng thời tiết kiệm được 50% lượng rơm (so với cách trồng truyền thống), ít tốn công chăm sóc, chất lượng nấm thương phẩm cao, năng suất tăng gấp 2/3 lần...

Theo kinh nghiệm ông Hải, trong 5 ngày đầu để bánh rơm lên kệ không được xê dịch, vì sẽ làm đứt tơ ảnh hưởng đến năng suất. Nấm là loại mẫn cảm, không để người lạ vào, dễ bị dọåp. Tuy nhiên, có thể khử mùi bằng cách thắp hương. Nếu cho ít lá dứa vào nhà kín, nấm có mùi thơm rất dễ chịu. Nếu thắp đèn điện, nấm có màu trắng mởn, bán được giá cao.

Mới đây ông Hải đã thử nghiệm thành công mô hình trồng nấm "sạch". Phương pháp trồng tương tự nấm trong nhà kín. Phun nước đường thay cho thuốc tăng trưởng KOMIX, độ ngọt nước đường bằng các loại nước giải khát. Nhà kín có thể làm bằng tre, lá. 4 vách và trần nhà được che kín bên trong bằng bao nilon. Nhà làm vật liệu tốt thời gian sử dụng lâu hơn. Nếu trần nhà lợp, phải dùng các vật che mát như: Tàu dừa, rơm, cỏ...Cửa sổ thoát nhiệt trên cánh én. Kệ để bánh rơm làm bằng thanh tre, trúc. Nhà kín 18m2 (3 x 6m), hai bên bố trí 2 kệ đơn, ở giữa 1 kệ đôi. Mỗi kệ rộng 40cm, chừa lối đi 60cm. Tầng kệ cách nhau 30cm và tùy chiều cao nhà kín.

Anh Phan Văn Triều (xã Thới Long huyện Ô Môn), chủ cơ sở sản xuất nấm rơm khô cho biết: Cơ sở của anh mỗi ngày tiêu thụ từ 400 – 600 kg nấm tươi. Giá mua vào 4.200 đồng/kg (loại nấm dù), chi phí than sấy và công làm sạch 800 đồng/kg. Trung bình 11kg nấm tươi cho 1kg nấm khô. Giá bán nấm khô 60.000 đồng/kg, lãi 5.000 đồng. Hiện nay, trong địa bàn 2 huyện nói trên có 4 cơ sở chuyên sản xuất nấm rơm khô, mỗi ngày tiêu thụ trên 2 tấn nấm tươi (loại nấm dù, vạc).

Có thể nói, năm nay ở khu vực ĐBSCL được mùa, được giá là vui của những người trồng nấm và cũng xuất hiện nhiều kiểu trồng nấm rơm mới .

NNVN, 18/9/2003

 

Làm meo nấm rơm

Trong qui trình làm nấm rơm, meo là thành phần không thể thiếu được. Chất lượng của nấm tốt hay xấu phụ thuộc vào chất lượng của meo. Song không phải ai cũng SX được meo chất lượng cao. Anh Nguyễn Văn Mười ở số nhà 1/15 khu phố 1 phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 TP.HCM, chuyên SX meo để trồng nấm. Được sự hỗ trợ của khuyến nông cho anh vay 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) để thực hiện qui trình SX meo. Lúc đầu anh chỉ SX meo để nhà trồng và hỗ trợ cho nông dân ở địa phương, do chất lượng meo tốt "tiếng lành đồn xa", các địa phương tới đặt hàng nhiều, hiện nay giống meo của anh đã đi tới Long Khánh, Bình Chánh, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Huế... Anh tâm sự: "Làm meo nấm cũng đơn giản lắm".

– Nguyên liệu chủ yếu là rơm, rạ, bột bắp, đường mía, Agaz, lúa.

– Phân lập giống: Chọn tai nấm giống tốt không bị bệnh, không non quá, già quá. Cần tẩy trùng mặt ngoài tai nấm, gọt bỏ phần rơm rạ, lau qua bằng Alcol hoặc dung dịch HgCl2 0,2% rồi rửa lại bằng nước cất.

– Lấy dao chẻ tai nấm ra rồi cắt thành miếng nhỏ cấy vào trong hộp lồng (trong hộp lồng đã pha chế) theo công thức bột bắp 40g, đường mía 20g, Agaz 20g, nước 20g.

Khi tơ nấm mọc lan ra khắp mặt hợp ta chọn tơ nấm thực thụ (không lẫn tơ nấm tạp) đem cấy truyền sang ống nghiệm.

Nhân giống ra chai hoặc bịch: Sau khi được giống nấm thuần khiết, cần pha chế thức ăn, để nhân ra nhiều bịch hoặc chai làm meo nấm rơm, rơm rạ cắt khúc 2 – 3cm. Ngâm nước vôi một đến hai giờ vớt ra pha trộn: Cứ 3,3kg trộn 300g bắp xay nhuyễn, 100g vôi. Ngâm rơm sao cho khi vắt không chảy thành giọt là tốt. Đem hỗn hợp này đóng bịch hoặc chai, đậy nút bông lại đem hấp để thanh trùng. Sau khi đã thanh trùng chuyển qua phòng vô trùng để cấy meo, bịch meo đã cấy xong đem ủ 7 ngày là bán được.

NNVN, 16/12/2003

 

Trồng nấm rơm

Nấm rơm là loại nấm ăn quý, phát triển chủ yếu ở vùng nhiệt đới, đă được trồng ở châu Á từ lâu. Nhiều nước ở các lục địa khác cũng phát triển trồng nấm rơm trong nhà kính hay nhà lớp bằng tấm Polyêtylen hoặc trồng theo hướng công nghiệp

Sau đây là phương pháp trồng nấm:

1. Chuẩn bị địa điểm:

Nấm rơm có thể trồng trên tất cả các nền đất khác nhau, ở ngoài trời hoặc trong mát, nhưng phải tránh nơi đọng nước, tránh xa chuồng gia súc.

- Nơi trồng phải bằng phẳng, cao ráo, tránh gió lùa hoặc phải làm hàng rào tránh gió, bố trí thẳng góc với hướng gió.

- Nếu đất trũng vào mùa mưa nên xẻ rãnh cho liếp rộng 60 - 80cm, cao 10cm, dốc ở 2 mé để thoát nước khi tưới, không ngập úng khi mưa.

2. Chuẩn bị rơm rạ

Rơm tươi, rơm khô hoặc ra, trường hợp thiếu rơm rạ cũng có thể dùng lá khô, bã mía cũng được.

- Ủ rơm (dùng cho rơm khô, rơm tươi) chất một lớp rơm cao 20 - 30cm, rộng 1,5 - 2m, dài tùy lượng rơm cần ủ, tưới nước đẫm ướt, giậm cho dẽ dặt. Chất lớp thứ hai dày 30cm cũng giậm dẽ như trên. Tiếp tục như vậy cho đến khi đống rơm ủ có chiều cao khoảng 1,3 - 1,5m. Sau 10 - 12 ngày đống rơm ủ xẹp xuống là chất lên được.

- Ủ rạ: rạ được xếp 3 - 4 hàng sát nhau ngay ngắn và cũng tạo thành khối như ủ rơm. Ủ 14 - 15 ngày sau là chất mô được

- Bó rơm (dùng cho rơm lúa mùa, gốc rạ khô)

Rơm được bó thành từng bó, đường kính khoảng 20cm, ngâm vào nước sạch khoảng 1 - 2 giờ

- Chọn meo giống: Lấy giống nấm ở các trung tâm nấm địa phương hoặc trung ương. Meo giống tốt có những sợi tơ nấm màu trắng trong, mùi tương tự nấm rơm. Tơ nấm phát triển mặt môi trường bịch meo. Meo giống Đài Loan khi tơ trưởng thành bắt đầu tụ lại những hạt đỏ nâu vẫn cho năng suất, mỗi bịch meo giống khoảng 12 gam sẽ gieo được 4 - 5M mô. Khi đem giống về là cấy ngay.

3. Chất mô trồng nấm

- Chất ủ rơm: Bỏ lớp rơm mặt ngoài đóng ủ và chất hết trong ngày

- Rải rơm lên mặt luống đã sửa soạn sẵn rồi tưới nước sao cho khi đč dẽ dặt lớp rơm còn cao khoảng 20cm, rộng 4 - 5cm.

Rải 2 đường meo dọc theo mô cách bìa mô khoảng 10cm

Rải rơm chất lớp thứ 2 cao 15cm, tưới nước, đč dẽ dặt rồi lại rải lớp meo thứ hai (có thể chất thêm 1 - 2 lớp nữa). Xong phủ một lớp mỏng lên mặt mô khoảng 5cm, tưới nước đè dẽ dặt (lèn chặt)

Vuốt mặt ngoài mô cho láng và nhét từng cọng rơm rơi vãi bên ngoài xuống đáy mô để khi thu hoạch không làm hư hại nụ nấm nhỏ ảnh hưởng đến năng suất.

Theo dõi và tưới nước hàng ngày, 3 ngày sau dùng rơm khô rải khắp toàn bộ mặt ngoài của mô, tạo thành lớp áo mô dày 10 - 15cm (vào mùa mưa, mùa lạnh chất lớp áp mô ngay sau khi chất mô và dày hơn mùa nắng)

- Chất rơm bó

Chất các bó rơm theo chiều ngang của nền mô, cát dây bó, dậm lèn chặt, rải meo dọc 2 bên rìa bó rơm, cách bìa 10cm.

Lớp thứ hai ngược đầu rơm với lớp thứ nhất, tưới nước rồi giậm lèn chặt rồi lại rải meo như trên.

Sắp xếp sao cho mô ngay ngắn, không bị nghiêng, 2 - 3 ngày sau rải một lớp rơm khô mỏng khoảng 3 - 5cm lên mặt mô và đốt. Phủ một lớp rơm khô (áo mô) dày 10 - 15cm rồi tưới nước.

4. Chăm sóc

- Tưới nước bằng thùng vòi hoa sen có tia nhỏ.

- Theo dõi độ ẩm trong mô nấm bằng cách rút một mớ rơm ở giữa mô bóp chặt trong lòng bàn tay, nếu thấy:

+ Nước hơi rịn ra kẽ là vừa

+ Nước không rịn ra là khô, phải tưới thêm nước.

Tưới bên ngoài áo mô, ở cả phía trên và cả 2 bên hông mô

+ Nước chảy ra rừng giọt là dư nước, ngừng tưới, giỡ áo mô ra cho nước bốc hơi đi.

+ Từ ngày thứ 5-8 sau khi chất mô nấm, mỗi ngày đảo lớp rơm áo một lần để tránh tơ nấm ăn lan ra lớp rơm áo sẽ không tạo được nấm.

5. Thu hái

Từ ngày 10-14 sau khi gieo meo là có thể hái nấm được. Thời gian thu hái khoảng 10-15 ngày thì hết. Lần đầu nấm mọc khỏe, có thể hái được 2kg nấm tươi trên 1m2 mô nấm và có thể cao hơn tùy theo chất lượng rơm, meo giống và chiều cao mô.

Hái nấm vào buổi sáng, mát trời, hai ngón tay nhẹ nhàng cầm cây nấm khẽ xoay một vòng chân nấm, nấm rời khỏi mô, giữ các gốc nấm trong mô để tiếp tục phát triển. Hái nấm lúc chưa xòe mũ. Ta rửa nấm qua nước sạch pha muối rồi dùng ngay. Nấm đóng hộp hay muối để ăn dần, nếu có nhiều còn dùng làm hàng xuất khẩu.

6. Hướng dẫn cách chế biến nấm tươi

- Hái nấm tươi, cắt sạch phần gốc bám rơm rạ, đựng trong túi PE. Nếu để lâu cần bảo quản ở nhiệt độ thấp (5 - 8oC).

Thời gian bảo quản 12 - 24 giờ.

- Đun sôi nước, thả nấm vào chần 1 - 2 phút, vớt ra ngâm trong nước lạnh để nấm rắn chắc và hết mùi ngái.

- Nấm chế biến thành nhiều món ăn: Nấu cháo, nấu canh, nấu mì, xào, làm nem...

- Nấm đóng hộp: Dùng ăn trực tiếp hoặc có thể thêm các thực phẩm khác để chế biến thành nhiều món ăn

- Nấm sấy khô: Rửa sạch, chần qua nước sôi 1 - 2 phút, chế biến như nấm tươi.

- Nấm muối: Dùng dòng nước lưu thông qua nấm liên tục trong vòng 24h, nấm sẽ nhạt như vừa chần xong.

Chú ý: Không ăn quá nhiều (Định lượng 200g/người/bữa). Không nên cho mì chính vì nấm đã đủ ngọt. Phải nấu chín, không được nấu tái.

Hướng dẫn làm kinh tế gia đình phát triển VAC. NXB phụ nữ, tr. 94 - 99

 

Kỹ thuật trồng nấm rơm

Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ thường được đốt hay thải bỏ, vừa lảng phí vừa làm ô nhiễm môi trường. Để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, bà con nông dân hãy tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm. Với lượng rơm từ một ha trồng lúa có thể chất được 200m mô nấm; sau khi trồng nấm 25-30 ngày có thể thu được 250 - 300 kg nấm tươi.

I. Thời vụ:

Mùa vụ trồng nấm rơm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và lao động nông nhàn tại địa phương. Nấm rơm có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên theo điều kiện thời tiết mà chúng ta áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sau:

- Vào mùa Đông Xuân, giáp tết Nguyên đán có gió lạnh thì phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn.

- Vào mùa mưa cần làm mái che hoặc tủ rơm dầy hơn để giảm độ ẩm, làm nền mô cao để tránh ngập úng.

- Ở những nơi có nhiều gió, gió mạnh cần làm rào chắn gió, bố trí các mô nấm thẳng góc với hướng gió.

II. Chuẩn bị địa điểm:

Chọn điểm: Thuận lợi cho việc vận chuyển rơm rạ, thu hoạch và chuyên chở nấm; gần nguồn nước tưới; nền bằng phẳng, cao ráo, không bị úng ngập,  thoáng sạch.

Chuẩn bị địa điểm trước khi chất nấm:  Làm phẳng nền, trong mùa mưa nên xẽ rảnh và đào các liếp rộng 60-80 cm, cao 10 cm có độ dốc đỗ về hai mé thấp. Rảnh sâu 10 x 20 cm. Đầm nén mặt liếp giúp: thoát nước tốt, không bị úng ngập khi tưới.

III. Chuẩn bị rơm:

Rơm sau khi thu hoạch lúa mùa, lúa thần nông, lúa nếp đều sử dụng được; có thể dùng rơm tươi hoặc rơm đã khô, rơm không bị mục nát biến thành màu đen.Chuẩn bị rơm rạ bằng một trong hai cách sau:

1/ Cách ủ rơm thành đống:

Cách này áp dụng được cho cả rơm tươi và khô. Rơm được chất thành  đống chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8 m, cứ  mỗi lớp rơm cao 20-30cm tưới nước để cho rơm thấm đều và dùng chân dậm cho dẽ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon, rơm hoặc lá chuối tủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt, thời gian ủ rơm từ 10-12 ngày.       

Nếu ủ bằng rạ chú ý: xếp rạ theo hàng để dễ lấy ra. Rạ xếp thành 3-4 hàng sát nhau, tưới nước và dậm cho đều cũng như đống ủ của rơm.

2/ Cách xữ lý nước vôi trước khi ủ:

Rơm, rạ được nhúng vào nước vôi pha với tỉ lệ 3% (3kg vôi cho 100 lít nước) ngâm rơm vừa đủ ngập. Mục đích diệt nấm tạp, tẩy rữa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ. Rơm rạ ngâm trong nước vôi từ 20-30 phút. Sau đó vớt ra để ráo nước và chất thành đống giống như cách ủ rơm thành đống. Thời gian ủ 5-6 ngày: trong thời gian đầu sau khi chất đống 2-3 ngày trở rơm một lần. Nếu thấy rơm rạ quá ướt cần giảm bớt dụng cụ đậy bên ngoài, nếu rơm bị khô cần bổ sung thêm nước vôi tỉ lệ 3% tưới vừa đủ.

IV. Chọn meo giống:

- Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp có mùi tương tự như nấm rơm.

- Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo.

- Một bịch meo trung bình 120g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m cao 0,4- 0,5m và dài 4-5m.

Chú ý:

* Nếu bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam là đã nhiễm nấm dại, không nên sử dụng.

* Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.

V. Xếp mô & Rắc meo giống:

1/ Lấy rơm trong đống đã ủ :

- Dỡ bỏ lớp rơm ngoài mặt đống ủ.

- Lấy rơm đã ủ bên trong xếp mô nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ lớp đậy khi ủ.

2/ Chất mô nấm:

Cách 1: rải từng lớp rơm đã ủ lên mặt liếp đã chuẩn bị sẳn.     

Cách 2: xếp rơm thành từng bó theo chiều ngang của liếp.

Sau khi rải rơm khô dầy 4-5cm để đậy mô,  tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn.

Lưu ý:

Tuỳ theo mùa có thể thay đổi cách đậy mô nấm cho thích hợp.

+ Mùa nắng: tủ rơm mỏng để thoát nhiệt

+ Mùa mưa, mùa lạnh: tủ rơm dầy để giữ nhiệt và chống thấm nước.

VI. Chăm sóc và thu hoạch:

- Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón. Bản thân rơm  rạ khi phân huỷ đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển.

- Theo dõi nhiệt độ và ẩm độ là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất nấm.

+ Åm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân huỷ rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm.

+ Nếu ẩm độ cao, nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh, ẩm độ thấp mô bị khô, nhiệt độ tăng.

- Giữ ẩm độ thích hợp: khi kiểm tra mô nấm dùng tay rút một nắm (khoảng 15-20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa.

+ Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước.

+ Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô.

- Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô:

+ Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ tăng, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi sen tưới cho mô nấm.

+ Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ giảm, mô bị lạnh. Ngưng tưới nước, dỡ bớt áo mô, mái che nắng... để giúp mô hấp thu được nhiều nắng. 

- Đảo rơm áo mô: sau khi chất mô 5-8 ngày, cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài không tạo được nấm. Cách đảo: dỡ rơm áo ra xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm.

- Thu hái nấm rơm:

+ Sau khi ủ rơm 10-14 ngày có thể thu hoạch: thời gian thu hoạch tuỳ theo loại meo và cách ủ. Nấm ra rộ vào ngày thứ 12-15; sau đó 7-8 ngày ra tiếp đợt 2 và thu hái trong 3-4 ngày thì kết thúc vụ trồng nấm

+ Thời điểm hái nấm: thu hái mỗi ngày 2 lần. Lần 1 vào sáng sớm trước 6 giờ. Thu hái lần 2 vào khoảng 14-15 giờ chiều.

+ Thời gian thu hái nấm thường 7-10 ngày. Năng suất trung bình 1-1,5 kg nấm tươi trên 1m liếp nấm.  

- Vận chuyển và bảo quản nấm sau khi hái:

+ Sau khi hái nấm, tốt nhất nên chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ trong khoảng thời gian 2-3 giờ.

+ Nếu muốn để nấm rơm qua ngày cần bảo quản ở nhiệt độ 10 - 15 oC.

Phan Văn Bằng Phi - Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ

 

Trồng nấm rơm

1.Chọn điểm trồng:

Có thể là chân đất ruộng hoặc những khoảng đất trống quanh nhà hay trong vườn cây ăn trái, trên bờ kênh mương.... Nhưng tốt nhất là nơi đó vụ trước chưa trồng nấm hoặc đã trồng rồi cách 1 vụ và phải qua xử lý đất kỹ để loại bỏ mầm bệnh. Không chất nấm nơi đất dơ bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm vì nấm sẽ dễ bị bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng.

2. Ủ rơm:

Rơm sau khi suốt xong cần phải ủ ngay hoặc chất thành đống để tránh nấm mốc tấn công làm giảm dinh dưỡng trong rơm rạ, đồng thời tận dụng sức nóng của lá lúa làm chín rơm. Rơm được ủ thành từng lớp để dễ trở, xịt nước vừa phải, chỉ dậm chung quanh đống không dậm ở giữa. Đống rơm ủ có bề ngang khoảng 2m, cao 1,5m.

Khi rơm ủ được 7 ngày, trở rơm và ủ lại tiếp 5 ngày nữa; sau đó mới đem ra chất nấm. Để biết rơm chín hay không có thể dùng tay kéo nhẹ ra nếu sợi rơm có màu vàng sẫm, vừa đứt là được . Mùi của rơm đống ủ phải có mùi thơm như nấm rơm, không bị hôi hắc hoặc chua. Ở một số địa phương bà con còn bón thêm phân urê, rơm rất mau chín và cho năng suất cao với liều lượng khoảng 700-800gr urê /công rơm.

3. Chọn meo giống:

Nên chọn meo không bị nhiễm mốc cam, mốc xanh và mốc đen. Tơ nấm trong và rõ, to lớn- sau này sẽ cho nấm lớn, năng suất cao. Không chọn meo quá già hay quá non, khi bắt đầu ủ rơm thì đến cơ sở đặt meo trước khoảng 12 ngày sau khi ủ rơm xong lại lấy meo là vừa. Để meo nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh những vi sinh vật lạ xâm nhiễm. Meo già hay còn gọi là meo "bã trầu" thường cho nấm sớm nhưng nấm ít hơn.

4. Chất giồng:

Một công rơm có thể chất từ 25-35m mô nấm tuỳ theo vụ lúa có rạ dày hay thưa. Mùa mưa rơm ủ lấy ra cuốn tròn như cái gối và dựng đứng ép thành giồng để rỏ nước, bề ngang khoảng 3,5-4 tấc, cao 3-3,5 tấc, chất thành giồng. Mùa nắng khoảng cách giữa hai giồng đôi khoảng 2 tấc, tưới HVP và rải phân hữu cơ hoai trước khi rải meo. Trộn meo nấm với kích thích tố để tơ nấm bò nhanh, rải meo nấm một hàng giữa mô và sau đó phủ thêm 4cm rơm ủ. Mùa mưa nên đậy thêm một lớp rơm để meo không bị ướt. Đối với nấm trồng không đậy, bề ngang của giồng nấm phải đạt từ 3,5-4 tấc, chiều cao từ 4,5-5 tấc và chất ngang với chiều nắng. Khoảng cách giữa hai giồng nấm tốt nhất chỉ vừa lọt bàn chân đi để giồng này che nắng cho giồng kia và giữ ẩm độ giúp nấm phát triển tốt.

5. Chăm sóc:

Sau khi chất mô xong thường xuyên theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ cho thích hợp để nấm phát triển tốt.

Ẩm độ thích hợp: 80-85%. Có thể kiểm tra bằng cách rút một nhúm rơm ủ ở giữa mô bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn ra kẽ tay là vừa. Khi tưới nước bà con cần lưu ý nên tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát. Nếu tưới vào buổi trưa nắng sẽ làm dộp nấm. Nhiệt độ thích hợp vào khoảng 34-350C, dùng tay đặt sâu vào giữa lớp mô nếu thấy ấm dần là vừa. Ngược lại, nếu không cảm thấy nóng hoặc ấn sâu vào bên trong mới thấy nóng là do nấm bị mất nước và lạnh, cần che đậy kỹ hơn. Sau khi chất mô nấm kể từ ngày thứ sáu, mỗi ngày đảo lớp rơm áo một lần vào buổi sáng hoặc chiều mát để nấm không ăn lan ra ngoài lớp mô áo, không tạo được nấm. Cách đảo: Dỡ lớp rơm áo, xốc cho tơi và đậy lại.

Sau khi rải meo từ 8 đến 9 ngày, các nụ nấm màu trắng bắt đầu xuất hiện và lớn nhanh, trong giai đoạn này bà con cần tưới nhiều nước để tăng độ ẩm giúp nấm phát triển. Chú ý phòng trừ sâu bệnh cho nấm rơm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

NNVN, 30/7/2004

 

Để trồng nấm rơm đạt hiệu quả

Trung tâm Hợp tác phát triển HTX giới thiệu một trong những phương pháp của kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà kín.

Ủ rơm chín (rơm ướt ủ 3 ngày, rơm khô ủ 7 ngày). Cho vào khung ép thành bánh (cỡ khung 30 X 22 X 12cm). Gói vào bao nylon đem phơi nắng một ngày, để nguội một đêm rồi cấy meo (một bọc meo cấy 7-10 bánh rơm). Cấy xong, gói lại để nơi thoáng mát. Sau 7 ngày, mở bao, đem bánh rơm vào nhà kín, chất lên kệ. Dùng bình xịt phun nước (bình 8 lít phun 600 bánh rơm) giữ nhiệt ở 36oC. Nếu nhiệt độ giảm tiếp tục phun nước, còn nhiệt độ tăng, mở cửa thoát nhiệt. Sau 4 ngày, nấm to bằng ngón tay, phun thuốc tăng trưởng Komik (lọ 20cc pha bình 8 lít phun 600 bánh rơm).

Sang ngày thứ năm, có thể thu hoạch nấm rơm và việc thu hoạch kéo dài liên tiếp 10 ngày. Thu hoạch xong đợt, quét dọn nhà kín, khử trùng bằng vôi bột để trồng tiếp đợt sau. Kỹ thuật trồng nấm trong nhà kín cho phép người trồng sản xuất theo phương thức dây chuyền, mỗi đợt trồng 15 ngày (thời gian trong nhà kín); đồng thời tiết kiệm được 50%lượng rơm so với cách trồng truyền thống, ít tốn công chăm sóc, chất lượng nấm thương phẩm cao, năng suất tăng 2-3 lần…

Theo kinh nghiệm, trong 5 ngày đầu để bánh rơm lên kệ không được xê dịch vì sẽ làm đứt tơ ảnh hưởng đến năng suất. Nấm là loại mẫn cảm, không để người lạ vào, dễ bị “mắc hơi”.

Tuy nhiên có thể khử mùi bằng cách thắp hương. Nếu cho ít lá dứa vào nhà kín, nấm có mùi thơm rất dễ chịu. Nếu thắp đèn điện, nấm có màu trắng mởn, bán được giá cao.

Để trồng nấm sạch, phương thức trồng tương tự như trồng nấm trong nhà kín. Phun nước đường thay cho thuốc tăng trưởng Komik, độ ngọt nước đường bằng các loại nước giải khát. Nhà kín có thể làm bằng tre lá; bốn vách và trần nhà được che kín bên trong bằng bao nylon. Nhà làm bằng vật liệu tốt, thời gian sẽ sử dụng lâu hơn. Nếu trần nhà lợp, phải dùng các vật che mát như tàu dừa, rơm, cỏ…

Cửa sổ thoát nhiệt trên cánh én. Kệ để bánh rơm làm bằng tre, trúc. Nhà kín 18m2 (3x6m), hai bên bố trí 2 kệ đơn, ở giữa một kệ đôi. Mỗi kệ rộng 40cm, chừa lối đi 60cm. Tầng kệ cách nhau 30cm và tùy chiều cao nhà kín.

PHI HÙNG - Báo Phú Yên, 13/8/2009

 

Trồng nấm rơm cho thu nhập cao

Thực hiện chủ chương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, sau nhiều năm độc canh cây lúa bà con nông dân ở P.Phước Thới đã chuyển từ cơ cấu 3 vụ lúa/năm sang trồng đậu nành hoặc mè trong vụ lúa xuân hè, bà con nông dân ở Thuận Hưng thì chuyển sang trồng dưa hấu, bắp lai, dưa leo trong vụ đông xuân. Một số bà con nông dân lên vuông để nuôi cá, tôm càng xanh trong mùa lũ, một số thì chuyển sang trồng nấm rơm. Nói chung các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa.

Trồng nấm rơm ở ĐBSCL đã có từ lâu nhưng thực sự chỉ phát triển mạnh từ khoảng hơn chục năm trở lại đây. Trước đây khi mà ĐBSCL còn trồng chủ yếu là các giống lúa mùa với một vụ/năm thì nghề trồng nấm rơm chưa phát triển. Rơm rạ sau khi thu hoạch bỏ phí trên đồng ruộng hoặc thải xuống các dòng sông gây ách tắc dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường.

Từ khi Nhà nước có chủ chương ngọt hóa vùng Tứ giác Long xuyên, Tây sông Hậu, dẫn nước ngọt về những vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn mở rộng diện tích lúa cao sản và luôn canh tác 2 - 3 vụ/năm thì nghề trồng nấm rơm cũng phát triển từ đó. Trồng nấm rơm đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân như đầu tư vốn không nhiều, thời gian quay vòng ngắn, mỗi đợt trồng chỉ cần 15 - 20 ngày. Việc trồng nấm rơm còn kéo theo nhiều dịch vụ khác như thu mua, sơ chế nấm, nuôi trồng meo nấm, vì thế mà nghề trồng nấm rơm đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho nông dân ở nông thôn. Sản phẩm dư thừa sau khi thu hoạch là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng khác.

Theo kinh nghiệm của những người trồng nấm thì dùng 10 tấn rơm mục đã trồng nấm để bón lót cho lúa thì đỡ được một đợt bón phân.

Anh Ba Dương ở xã Thuận Hưng (Thốt Nốt - Cần Thơ) là người đã hơn chục năm làm nghề trồng nấm. Theo anh để nấm rơm đạt năng suất cao thì cần phải chú ý một số điểm như:

Thời vụ: Nấm rơm có thể trồng quanh năm, nhưng để có năng suất cao và thuận lợi là ngay sau khi thu hoạch lúa Đông xuân (tháng 2 dương lịch) và từ đầu đến giữa mùa mưa. Lúc này lượng rơm nhiều và rẻ, thời tiết thích hợp, chất lượng nước sông cũng tốt. Trồng nấm vào những tháng nắng hạn và mưa nhiều đều không tốt cho nấm.

Sơ chế rơm: Rơm trồng nấm có yêu cầu là khô đều, màu rơm vàng. Tuyệt đối không sử dụng rơm mà trên ruộng lúa trước khi thu hoạch có sử dụng thuốc 2,4 D vì nấm sẽ không lên. Rơm được gom lại và chất thành đống, kích thước khoảng 5 x 3 x 3 m = 45 m3, ủ rơm đống to quá sẽ khó cho việc tưới và đảo rơm, ủ đống rơm nhỏ quá sẽ không tạo ra được nhiệt độ cho rơm chín. Rơm sau khi chất đống được tưới đều từ trên xuống, giữ ẩm cho rơm liên tục cho đến khi thò tay vào thấy nóng rát là được, sau khi ủ 4 - 5 ngày phải đảo cho rơm chín đều.

Cấy meo: Khi mua meo cần chú ý mua những bịch meo trắng đều từ trên xuống, không mua những bịch meo bị nhiễm nấm mốc có màu đen hay đốm vàng. Rơm mục đượïc chất thành luống như luống khoai, ngang 50 cm, cao 35 - 40 cm, dài tùy theo mặt bằng nhưng cần chất tập trung để thuận lợi cho việc tưới. Rải đều meo nấm ở hai bên sườn luống và phủ tiếp một lớp rơm nữa cho kín hết meo. Sau khi cấy meo được 3 - 4 ngày, bào tử nấm nảy mầm thì phủ thêm một lớp rơm mỏng nữa (rơm tươi).

Tưới nước: Nấm cần được trồng ở những nơi cao ráo, gần sông để tưới nước và thoát thủy đều nhanh, tuyệt đối không để nước ngập lên mô nấm.

Thời tiết khô thì cần tưới nước liên tục trong tuần đầu, mỗi ngày một lần để rơm luôn ẩm cho nấm phát triển. Nên tưới nước vào những buổi chiều mát vì tưới vào buổi sáng làm giảm nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của nấm, tưới buổi trưa nắng nước bốc hơi nhanh cũng không tốt cho nấm.

Phun thuốc: Nấm rơm hay bị nhiễm nấm mốc và nấm dại, nấm mốc xanh, mốc cam , mốc thạch cao. Phải xử lý bằng thuốc tím, nặng phải dùng Bennomyl, Zineb, validacin. Ngòai ra còn các côn trùng phá nấm như ruồi, mạt gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, gián, phải dùng thuốc Furadan để diệt. Khi nấm đã tạo hình thì phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Komix, Mimix, Atonic, Bioted…

Thu hoạch: sau khi trồng 12 - 13 ngày thì thăm dò xem kích thước của nấm đủ cỡ chưa thì thu hoạch. Khi thu hoạch cần dỡ rơm từ từ, không bới lung tung, nhặt những quả nấm đạt kích thước , nấm nhỏ để nguyên và phủ lại rơm rạ như cũ và tưới tiếp để thu hoạch đợt sau.

Theo tính toán của anh Ba Dương thì trồng nấm cho lợi nhuận hơn trồng lúa nhiều. Chi phí cho trồng hết rơm của một ha lúa là: mua rơm 200.000 đồng, meo 60 - 70.000 đồng, công lao động các khoản khoảng 700.000 đồng, tổng chi phí khỏang 900.000 - 1.000.000 đồng.

Nấm thu hoạch từ lượng rơm đó từ 200 - 250 kg, giá bán 20.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng từ 3 - 4 triệu đồng. Như vậy nếu sử dụng hết nguồn rơm rạ của hàng triệu ha lúa với 2 - 3 vụ/năm thì sẽ tạo thêm được một khoản thu nhập rất lớn cho nông dân và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Tràn Văn Hiến - Khuyến nông Việt Nam, 10/03/2010

 

Trồng nấm rơm theo quy trình mới, hiệu quả cao

Kỹ thuật trồng nấm rơm theo quy trình mới của Trung tâm Công nghệ sinh học Việt Nam lần đầu tiên được triển khai đại trà tại huyện Sơn Hòa bước đầu đã được nông dân đón nhận.

Kỹ thuật trồng nấm rơm theo quy trình mới được Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hòa triển khai từ nhiều tháng nay. Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hòa, cho biết:

Kỹ thuật trồng nấm mới có hai cách là trồng ngoài trời và trong nhà, tất cả đều rất đơn giản. Với cách trồng ngoài trời, đầu tiên là xử lý rơm, ngâm rơm trong dung dịch nước vôi, quanh thành đống (nọc rơm) để khoảng một tuần, rồi rũ tơi để nguội, sau đó đóng mô kích thước cao 35cm, dài 1m, rộng 45cm, cuối cùng là cấy meo. Nếu trồng trong nhà thì đóng thành gói kích thước: 15 x 20 x 25cm; tiếp đến là chăm sóc bằng cách tưới phun sương tạo ẩm mỗi ngày 3 - 4 lần tuỳ theo thời tiết, sau 12 ngày nấm sẽ tạo quả thể và cho thu hoạch. Trung bình một tấn nguyên liệu, thu hoạch hai đợt cho 70 – 120 kg nấm tươi, với giá hiện nay 17.000 – 35.000 đồng/kg, cho thu lãi gần 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.

Đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hòa đã mở được 7 lớp dạy nghề trồng nấm rơm theo quy trình mới với hơn 200 nông dân theo học. Các lớp dạy nghề này được tổ chức ngay tại thôn buôn. Ban đêm học lý thuyết, ban ngày được hướng dẫn thực hành trực tiếp bằng mô hình trồng nấm thí điểm.

Lần đầu tiên mô hình được triển khai rộng rãi ở huyện Sơn Hòa với quy mô hộ gia đình, được dạy nghề bài bản, tại chỗ, kỹ thuật trồng nấm rơm mới bước đầu được nhiều người đón nhận và đang được tiếp tục nhân rộng tại nhiều địa phương. Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng cho biết hiện mô hình này mang lại nhiều khả quan. Nếu nông dân phát triển lên mô hình trang trại gia đình sẽ có hướng giải quyết đầu ra phù hợp. Hiện đã có hợp tác xã thu mua nấm Phú Hương (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) thu mua mặt hàng này.

PHƯƠNG NAM - PY, 15/7/2007

Xem thêm các bài viết về nấm và kỹ thuật trồng nấm

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang