• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Trồng rau thơm, trồng rau gia vị

Trồng rau gia vị

Rau là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, … cần thiết cho cơ thể con người. Với các thành phần dinh dưỡng phong phú, rau là một loại thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người chúng ta ngày nay. Tuỳ theo đặc điểm, công dụng của mỗi cây rau khác nhau, … chia ra làm nhiều loại khác nhau. Trong đó, có rau gia vị. Rau gia vị được dùng để ăn sống hoặc chế biến với những loại thực phẩm khác để kích thích ăn ngon miệng do đặc điểm của các loại rau này có mùi vị đặc biệt làm cho món ăn thơm hơn, ngon hơn, … Ngoài ra, rau gia vị còn chứa những chất có tác dụng dược lý nên được sử dụng làm những vị thuốc nam có giá trị sử dụng rất an toàn và hiệu quả cao: Diếp cá có tinh dầu và chất Ancaloit có tác dụng kháng sinh. Húng quế có mùi thơm của chanh và của sả, vị cay, tính nóng, thơm dịu có thể chữa được bệnh cảm cúm. Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng lợi tiểu, trừ sốt. Rau răm tính ấm, cay nồng, mùi thơm có tác dụng sát trùng.

1. Thời vụ trồng:

Rau gia vị có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, phải chủ động được nguồn nước tưới và thoát nước tốt. Nếu trồng trong mùa mưa cần phải làm giàn che hoặc trồng trong nhà lưới để giảm tổn thất. Nếu trồng trong mùa nắng cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ. 

2. Đất trồng:

Cây rau gia vị có thể sinh trưởng phát triển trên các loại đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hoặc đất phù sa. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất cần lựa chọn đất có pH từ 5,0 - 7,0, hàm lượng chất hữu cơ cao, hệ thống tưới và thoát nước tốt. Đất phải được cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Lên liếp rộng 0,8 - 1,2m; cao 0,1 – 0,3m. Ngoài ra, để sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn, cần chọn khu đất trồng xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp, bệnh viện, đường giao thông, khu dân cư đông đúc, …

3. Giống:

Tùy cây rau khác nhau mà lựa chọn giống khác nhau. Tuy nhiên, cần phải chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng: sạch bệnh, tỉ lệ nẩy mầm cao, còn hạn sử dụng, …. Nếu tự để giống cần phải ghi chép nhật ký đầy đủ. Có cây được trồng bằng hạt: Húng quế, Kinh giới, tía tô, .... Cũng có cây có thể trồng bằng cành: Rau răm, húng cây, diếp cá, …

4. Phân bón:

Để năng suất rau thu hoạch như mong muốn cây cần một lượng dinh dưỡng tương ứng. Dinh dưỡng cung cấp cho cây có từ nhiều nguồn: Đất, không khí, tàn dư thực vật, …. Và con người bổ sung từ phân vô cơ và phân hữu cơ thông qua các phương pháp bón gốc, phun qua lá trong quá trình canh tác. Các loại phân bón cho cây có thể sử dụng: NPK, DAP, Urê, Super lân, Clorua kali, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, các loại phân bón lá,….
Do thời gian thu hoạch ngắn, thu nhiều lứa và ăn lá là chủ yếu nên cần có chế độ bón phân hợp lý, cân đối và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. 

Cách bón: các loại phân hữu cơ, phân lân và phân kali dùng bón lót toàn bộ trong khi làm đất. Lượng đạm có thể chia bón thúc làm nhiều lần. Tuyệt đối không được dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng chưa hoai bón cho rau. Tùy theo loại đất, dinh dưỡng có sẵn trong đất và năng suất cần đạt, sản phẩm thu hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà điều chỉnh lượng và loại phân phù hợp. Lượng phân bón lót  cho 1 ha đất trước khi trồng có thể dao động 2- 3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100 – 150 kg super lân.

5. Nước tưới:

Trong canh tác cây trồng nói chung, cây rau nói riêng, nuớc là một yếu tố quan trọng nhất đối với sinh trưởng và phát triển của cây. Do đó, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, cần chủ động được nguồn nước sạch để cung cấp đầy đủ cho cây trong từng giai đoạn. Tưới nước cho rau, cần chú ý một số điều kiện chính: đủ ẩm, thoát nước tốt và nhẹ nhằm tránh gây vết thương cho cây. Vì những vết thương này là cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh xâm nhập gây bệnh hại cho cây rau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lương rau thu hoạch.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Cây rau gia vị thường ít bị sâu bệnh gây hại. Sâu hại chủ yếu có sâu khoang (Spodoptera litura), rệp sáp giả (Pseudococcus), bọ trĩ (Thrips sp). Bệnh hại chủ yếu chỉ có bệnh thối gốc do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Để sản phẩm thu hoạch không bị sâu bệnh phá hại cần áp dụng một số biện pháp phòng trừ: Canh tác không dùng hóa chất: Làm đất, luân canh, xen canh, mùa vụ thích hợp, vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống kháng…; Sinh học; Hóa bảo vệ thực vật; Tổng hợp IPM. Nếu dùng hóa bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại cần lưu ý: dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sử dụng theo theo nguyên tắt “4 đúng”. Ưu tiên phun các loại thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc. Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch sản phẩm đúng theo hướng dẫn ở bao bì để đảm bảo thời gian cách ly. 

Một số loại thuốc bảo vệ thực vật thường sử dụng cho cây rau:

- Nhóm thuốc phòng trị sâu tơ, rầy xanh, dòi đục lá, … : sử dụng thuốc sinh học,  thuốc có thời gian cách ly ngắn. Có thể sử dụng Abatimec 1.8EC; Alfatin 1.8 EC; Reasgant 1.8EC, 3.6EC, 5EC,  2WG, 5WG ; Tập Kỳ 1.8 EC; Vertimec 1.8EC, 084SC; Vibamec 1.8EC; Sword 40EC; Biocin 16WP; Oshin; ….

- Nhóm thuốc phòng trừ bệnh: Anvil, Validacin, Bavistin 50 FL (SC); Daconil 75WP, 500SC; COC 85 WP; Zincopper 50WP; Aliette 80WP; Dithane 80WP; Thane -  M 80 WP; Ridomil  MZ 72WP; Ridomil 68WP; Ditacin 8L; ….

Khuyến nông TPHCM, 4/2014

 

Trồng rau thơm tại nhà

1. Chuẩn bị giá thể: Cho đất sạch hoặc các loại giá thể sản xuất rau mầm vào khay trồng được làm bằng nhựa hoặc hộp xốp có kích thước 35 x 50 x 15cm hoặc trong chậu, rổ, rá có đường kính miệng tối thiểu 25cm và san phẳng.

2. Gieo hạt:

- Với các loại rau thơm như: tía tô, kinh giới, thì là, húng quế, húng chó: gieo đều trên bề mặt mỗi khay khoảng 0,5-1g hạt giống, phủ lên trên một lớp đất mỏng 0,5cm rồi tưới nước, giữ ẩm, sau 7-10 ngày hạt sẽ nẩy mầm.

- Với cây rau mùi (rau ngò rí) bà con cần dùng chai thủy tinh chà nhẹ cho hạt nứt vỏ rồi đem ngâm trong nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) khoảng 10-12 giờ. Sau đó vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước rồi mới đem gieo khoảng 20 hạt/khay, sau 7-10 ngày hạt sẽ nẩy mầm.

- Với các loại rau mầm như: cải xanh, cải củ, đậu xanh, rau muống… cũng nên ngâm trong nước ấm và gieo dày (5g/khay), tưới nước giữ ẩm chỉ sau 2-3 ngày là mọc mầm; sau 5-7 ngày có thể tỉa thưa để sử dụng và tiếp tục chăm sóc để có rau xanh ăn dần.

- Chú ý: Dùng các tấm che (phên, bìa các tông, giấy báo…) đậy kín các khay sau khi gieo hạt và tưới đủ ẩm đem vào chỗ tối trong 2-3 ngày đầu cho hạt nhanh nẩy mầm. Khi hạt đã nẩy mầm thì dỡ các tấm đậy ra, kiểm tra độ ẩm để thường xuyên cung cấp nước cho khay. Khi rau đã mọc 1-2 lá mầm thì đưa ra chỗ sáng cho rau nhanh phát triển.

3. Chăm sóc:

- Tưới nước thường xuyên cho rau, những ngày đầu tưới 2 lần/ngày (sáng, chiều), những ngày sau có thể tưới thêm tùy độ ẩm trong khay và điều kiện thời tiết bên ngoài. Không tưới khi trời đang nắng nóng. Nên dùng các loại bình phun có tia nhỏ, mịn để tránh làm rau bị dập lá.

- Các loại rau thơm như: húng quế, húng chó, tía tô, kinh giới… khi được 20-30 ngày tuổi có thể bấng trồng ra các chậu riêng (1-2 cây/chậu) cây sẽ nhanh lớn, bấm ngọn, bón thêm phân, tưới đủ ẩm để cây phân nhiều cành và thu hái ngọn, lá được lâu hơn (từ 6 tháng đến 1 năm).

4. Thu hoạch:

- Các loại rau thu hoạch 1 lần như: rau mùi (ngò rí), thì là: 40-45 ngày sau gieo có thể thu hái để sử dụng. Thu hết thì đem giá thể phơi khô, trộn thêm đất hoặc giá thể mới để trồng lại lứa khác.

- Các loại rau thu hoạch nhiều lần: 30-35 ngày sau khi gieo hạt thu hái phần ngọn non, tiếp tục bón phân, chăm sóc để thu hái các lứa tiếp theo 5-7 ngày sau đó.

Công Hào - Nông nghiệp Việt Nam, 20/11/2008

 

Tìm hiểu cách trồng các loại rau thơm:

 

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang